Trang

30 tháng 1, 2013

THỬ NHẬN ĐỊNH CA KHÚC



 LỜI CON KÊU KHẤN.

            Trước mặt tôi là ca khúc mang đề tựa: Kết Hợp, thơ Đỗ Xuân Quế, nhạc Tiến Dũng, bài thánh ca viết nhịp đơn 2/4, theo mô hình cấu trúc abac. Tác phẩm đơn sơ, điệp khúc 2 bè mà bè dưới viết lặp lại một phần theo dạng “đuổi” (cấp bộ phỏng tạo-cacendar), phiên khúc xướng thơ thể ngũ ngôn, tác phẩm được viết khỏang thập niên 60, cách nay trên 40 năm.
            Ngay từ buổi ban đầu của lịch sử phát triển thánh ca Việt Nam, học giả Phan Phát Huờn đã viết lời bạt, trong tập bài hát của nhạc sĩ LM Hoàng Diệp (tác giả bài : Kià Bà Nào), thế nào thì gọi là thánh ca? Thánh ca phải có 3 yếu tố : THÁNH - THẬT và CÔNG GIÁO, thiếu 3 yếu tố trên, thì không được sử dụng trong nhà thờ và các nơi cử hành nghi thức phụng tự ( ví dụ các bài: Tà áo đêm Noel, Lá thư trần thế v.v…)
            Một nhận định khác mạnh mẽ hơn khi nói về thánh ca là nhạc sĩ Hùng Lân (ông còn bút hiệu khác là Nam Hoa), trước 1954, ông là nhạc phó nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, vào Nam ông là giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn… Ông thẳng thắn nhận định nên nhạc thánh ca hiện tại (thời điểm thập kỷ 70), càng về sau các nhạc sĩ công giáo viết về lượng thì nhiều, nhưng về phẩm thì không bao nhiêu, sáng tác tùy tiện, buông thả, xu thời, thậm chí còn lấy lời của tài danh nào đó vào cho ca khúc mình ( ví dụ: …hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…), thiếu chất Thánh - Thật là căn bản mẫu mực của thánh ca.
            Một bài thánh ca hay, thì đạt cả nhạc lẫn lời, người nhận định được nhạc hay thưc ra ít oi lắm, đó là những nhà phê bình âm nhạc, phải nghiên cứu, mổ xẻ, phân tích, đồng thời tham khảo ý kiến nhận định các đồng nghiệp khác, có khi khó hơn thầy thuốc chẩn mạch. Nhưng cảm nhận được ý lời hay là cả một cộng đồng, từ em bé thơ đền bậc cao niên, từ kẻ mù nhạc đến  người có nhạc vị cao. Bởi vậy lời ca phải hết sức chú trọng, nhất là ngôn ngữ người Việt  có dấu  giọng. Một bài thánh ca hay còn có tuổi thọ, trường tồn với thời gian, vì thời gian sẽ sàng lọc, những gì hay đẹp sẽ tồn tại, mặc nhiên đó là  định luật.
            Các nhạc sĩ công giáo Việt Nam vào hàng tiền bối, luôn xem các nguyên tắc trên và giữ gìn như kinh nhật tụng, khi sáng tác áp dụng triệt để về mô hình cấu trúc, xây dựng móng nền thật lô gích, dẫu bài nhạc giản đơn như mái tranh, hay đồ sộ như đền đài cung điện, thì vật liệu tạo thành thứ nào ra thứ ấy. Về ý lời  thì gọt giũa  niêm luật gieo vần đàng hoàng, cũng bởi quá cẩn trọng, nên về sau các hậu bối khi sử dụng, thì…rằng hay thì thật là hay, nghe xong cứ làm sao ấy…họ nói rằng thiếu bay bổng lả lướt, nên tâm hồn chỉ nâng tới “lưng chừng”…
            Những nhạc sĩ ngoài đời, khi cho ra mắt công chúng tác phẩm mình, họ rất lo lắng cho đứa con tâm huyết, là 3 yếu tố quyết định : Người trình bày – Giàn nhạc và khán thính giả, có khi tác phẩm thật công phu và tâm đắc, lại đau đớn yểu tử đắng cay, vì các yếu tố trên thô thiển không phù hợp.
            Bài hát “Lời con kêu khấn” theo tôi, Tác giả đã tâm đắc bài thơ đến độ giữ nguyên bản, chỉ lặp lại vài từ cho thêm ý vị, nét nhạc chuyển động đa phần quãng 2, 3 trưởng thứ, quãng 4, 5 và 8 đúng, về hợp âm đơn giản trong tam, tứ, thất trình.
            Vậy mà, ngày viếng linh cữu tác giả, chúng tôi những trò nhỏ thời xa xưa ấy đã hát bài này trong thánh lễ, không có đệm đàn, không tập dượt, chỉ có giọng nam hát hai bè đồng giọng, anh Quang lớp 64 đọc phiên khúc, chúng tôi đã hát với linh hồn và tâm tình tôn sư trọng đạo, thú thật: một kẻ lãng tử như tôi đã nâng lòng lên hết sức sốt sắng!...
Bùi Nghiệp
           

28 tháng 1, 2013

CHÙM THƠ TIÊN SA



1. Nhật ký hoa hồng
Thân con ước nguyện hóa thành hoa,
Những cánh hồng xinh  thắm mượt mà.
Trải lối cho Thầy êm gót bước,
Lót đường để Chúa nhẹ chân qua.
Chẳng mong mỹ nữ phô kiều diễm,
Không mộng giai nhân nét ngọc ngà.
Chỉ ước một lòng yêu thắm thiết,
Tình xin mến mãi chẳng phôi pha.
Bùi Nghiệp

2. Nguyện ước
Nguyện ước thân con một kiếp hèn,
Hoa đời lây lất mặc chê khen.
Đương thì chớm độ luôn ưu ái,
Quá lứa tàn mùa lại lãng quên.
Sớm nở tươi xinh khoe đỏ tía,
Chiều tàn héo úa rũ thâm đen.
Con xin chờ đón bao phiền não,
Chỉ biết dâng yêu chút phận quèn.
Bùi Nghiệp

3. Đường thơ ấu
Hãy nên như một trẻ ngây thơ,
Chúa sẽ thương yêu chẳng bến bờ.
Chớ trọng chớ sang nơi điện thánh;
Đừng cao đừng quý chốn cung thờ.
Muốn làm chủ hãy như tôi tớ,
Mộng được khôn xin cứ dại khờ .
Chân thật khiêm nhu hồn bé nhỏ,
Hỡi người đón nhận chớ làm ngơ.
Bùi Nghiệp

4. Đời hoa Tiên Sa
Hai bốn xuân xanh chẳng có nhiều,
Mà nên đại thánh chỉ vì yêu.
Đơn sơ phó thác dâng ngày tháng,
Trong sạch khiêm nhu nguyện sớm chiều.
Như hạt rắc gieo mầm bé nhỏ,
Mà cây trổ nở trái huyền siêu.
Lâng lâng hồn bước về Thiên quốc,
Mưa trận hồng hoa thật mỹ miều.
Bùi Nghiệp

5. Nữ Thánh Truyền giáo
Cánh cửa trần gian khép lại đây,
Âm thầm suy niệm suốt đêm ngày.
Chôn chân bốn bức tường tu khép,
Hướng mắt mười phương đạo Chúa khai.
Ao ước gió thiêng nguồn phúc đủ,
Đợi chờ mưa thánh đổ ân đầy.
Lạ lùng trinh nữ đời phong kín,
Đại thánh truyền rao phúc đức thay.
Bùi Nghiệp

27 tháng 1, 2013

KỶ NIỆM ẤY RẤT BÌNH THƯỜNG



 Những chân sáo tung tăng vào chủng viện,
Tuổi hơn mười như quyển vở trắng thơm,
Mà ngôi trường bàn ghế sực mùi sơn,
Đầu niên học, Cha đặt tên KHAI PHÁ.
Vâng! Thuở ấy chúng mình còn xa lạ,
Bốn phương trời tập họp chửa thân quen,
Cùng về đây nghe tiếng gọi tâm linh,
Từ xa thẳm kêu vời ơn thiên triệu.
Cùng khôn lớn trong nguồn ơn kỳ diệu,
Cùng ăn no lời chân lý ngọt ngào
Cùng uống say dòng ân lộc trời cao,
Cùng mài miệt lời ân sư năm tháng.
Đường đến đích đâu thênh thang tắp thẳng,
Mà gập ghềnh lắm ngã rẽ chia xa.
Nên năm năm đứng trước mỗi ngã ba,
Có bằng hữu chia tay về hướng khác.
Lại thuở ấy! Loạn hai miền Nam Bắc,
Chiến tranh về khói lửa ngập tràn lan,
Có bạn ta vùi xác dưới đạn bom,
Dăm bằng hữu tay chân không lành lặn.
Tiếp đến buổi giao thời nhiều ly loạn,
Mái trường xưa tan tác chẳng còn ai.
Thầy tha phương, lao lý ngậm ngùi thay!
Trò ly tán, trăm ngả đương phân cách.
Dăm chúng bạn, vượt trùng khơi đất khách,
Mươi chúng mình , về nối nghiệp nông gia.
Xa lạc nhau trong trần thế can qua,
Ta tan tác như gà con lạc mẹ.
   Không phải thế! Không! Không phải thế,
Hãy vững lòng răng cắn chặt đi lên.
Mỗi bản thân mang vững một niềm tin,
Phải có ngày anh em ta hạnh ngộ.
 Kìa đã đến! Ngày rực vàng ruộng lúa,
Thợ gặt đâu mau tận hiến xuống đồng.
Ô! Bạn ta chân hăng hái tiên phong,
Tay khí cụ thâu gom muôn hạt qúy.
Và luôn thế nơi chân trời góc bể,
Cứ lượt lần trúng tuyển thợ chuyên chăm.
Những niềm vui cộng mãi với thời gian,
Là hội ngộ, là hàn huyên không dứt.
Lại còn có những lứa đôi hạnh phúc,
Bậc gia đình nhiều sóng gió lênh đênh
Vững con thuyền hôn phối quyết đi lên,
Bề gia thất tăng thêm nhiều nho trái.
Lại còn có những gian truân khổ ải,
Của bạn mình lận đận trái tim đau,
Hãy nguyện cầu và an ủi cho nhau,
Hầu chia sớt bao nguồn cơn oan trái,
Còn nhiều lắm những cuồng phong lốc xoáy,
Cuốn bạn mình vào cùng tận thương đau.
Những tự ti kẻ hèn kém sang giầu,
Rồi cúi mặt cam thân làm ốc bể.
Chuyện như thế! Đời thường nhiều  vô kể,
Nửa đời người chợt nhớ kỷ niệm xưa,
Kể ra đây không thiếu cũng chẳng thừa,
Như một đoá hoa hồng không gai sắc.

                                             KP. Bùi Nghiệp.
                                       Bình Châu – Kinh 8

25 tháng 1, 2013

Phù Vân



Dung nhan trần thế như hoa nở,
Một thoáng bóng câu qua cửa sổ.
Là gió lang thang thổi mãi đâu,
Tựa mây lãng đãng trôi bồng đó.
Như đèn trước bão hắt hiu tàn,
Giống bọt trên sông tan tác vỡ.
Xin nhớ phù vân kiếp mất còn,
Luyến lưu chi để thêm mang nợ.
Bùi Nghiệp

Cánh bèo



Lãng đãng bèo trôi trên cánh sóng,
Bềnh bồng sắc tím  như mơ mộng.
Đi về cuối đất gió lang thang,
Trôi đến cùng trời mây lồng lộng.
Phiêu bạt sông hồ kiếm hữu duyên,
Lênh đênh sóng nước tìm vô vọng.
Hỏi mây hỏi nước hỏi trăng già,
Cái kiếp nổi trôi sao mải ngóng.
Bùi Nghiệp