Trang

28 tháng 2, 2015

SẮC HOA MÀU NHỚ MIỀN TÂY:



BÔNG ĐIÊN ĐIỂN
Sắc vàng hai cánh ấp e
Ơi mùa nuớc nổi bên lề bờ kinh
Tên em hoa mỹ điền thanh
Chính là điên điển vàng anh sắc màu
Trời mùa tháng chín qua ngâu
Nước trương dâng ngập  ùa vào hạ lưu
Chợt bừng sắc đóa đáng yêu
Vàng tô trời đất mến trìu dân quê
Xuồng con đầu mũi hái về
Tô canh ngút khói rô mề giao duyên…

LỤC BÌNH
Một đời phiêu bạt trên sông
Tha phương vô định bềnh bồng lãng du
Nay đây mai đó sa mù
Đâu là bến đậu trầm phù nhân gian
Sắc hoa màu nhớ miên man
Tím thơ se sắt vương mang nét sầu
Về đâu đâu biết về đâu?
Nương theo nước nổi bên cầu sóng xô
Mong sao dừng bước sông hồ
Dạt vào bãi vắng ngồi chờ tình quân…

Bongtaduong

26 tháng 2, 2015

LAI RAI PHÂN TÍCH THƠ ĐƯỜNG



Dường như mấy năm gần đây, phong trào làm thơ Đường luật có vẻ trở nên sôi nổi, người già rỉ rả đã đành mà lớp trẻ cũng hăng hái lên gân, ngọn gió ngôn từ thổi về mát rượi thi đàn, các trang web cộng đồng, các trang blog cá nhân trăm hoa đua nở, rõ là một tín hiệu vui, trau chuốt phong phú ngôn ngữ nước nhà, độc đáo bổng trầm 5 dấu giọng.
Thơ Đưởng luật xuất phát từ Trung quốc, Nguyễn Thuyên người Việt nam, là tiến sĩ Thuợng thư nhà Trần, đã đưa áng thi bất hủ này vào phát triển, vua Trần ví ông như Hàn Dũ qua tâm đắc bài Văn tế cá sấu, bèn đổi họ ông từ Nguyễn sang Hàn, nên đời sau luôn gọi ông là Hàn Thuyên, và thơ Đường luật gọi là Hàn luật. Gần một ngàn năm qua đến thời đại nay, ngôn ngữ Trung quốc có nhiều cải tổ, thể loại này xem ra không còn phù hợp, áng Đường thi vô hình mặc nhiên tàn lụi, ngược lại phát triển phì nhiêu lan tỏa trên đất nước Việt Nam, do ngôn ngữ độc âm phù hợp.
Chỉ với 56 chữ gói toàn nội dung bài thơ thất ngôn bát cú, mà tóm gọn trọn vẹn bài thơ, ví như bàn cờ tướng, với 64 ô chia 2, nhưng bày binh bố trận giao tranh lưỡng quốc, tướng sĩ binh lực chiến thuật tiến thủ quy mô, vận dụng trí não người điều binh khiển tướng kỳ tài… Đường thi thất ngôn bát cú cũng vậy!
Với 8 câu 7 chữ phải cô gọn súc tích, phân loại rồi kết hợp ra vần điệu, nhạc tính, niêm luật hẳn hoi, bố cục ràng buộc khắt khe, mới giãi bày được ngôn phong tinh túy rộng kèm sâu, quả nhiên không phải chuyện đùa, cứ nhập cuộc rồi mới biết thế nào là công phu diệu thủ.
1.     THI LUẬT
Đây là công thức giàn quân ra trận, lão không đề cập tới nữa, vì ai đã nhập cuộc thể loại này, hằn nhiên đều biết, nói ra chỉ thừa, cái thức bằng trắc ai ai cũng hiểu, vậy nên thông qua không nhắc lại, luật chuyển động, niêm kết hợp, sắp đặt vận quy mô… Mà sao viết xong, cảm thấy đúng mà đọc lên nó cứ làm sảo làm sao?… Ấy vì do tiết nhịp và nhạc tính còn chưa ổn định.lại mắc lỗi vì vướng bẫy gài sẵn, vô tình dính chấu như chơi.
2.     NHẤT TAM NGŨ BẤT LUẬN.
A ha! Cái bẫy chờ đó, chứ không phải thong dong xả láng đâu, sách nói: chữ 1, 3 và 5, có thể liến phiến bằng trắc thế nào cũng được, không quy bắt lỗi, hổng dám đâu! Lão nói nó là cạm bẫy đó, vì chỉ duy có chữ 1 là được tự ý thôi, còn 3 và 5 thì liệu mà bước, mìn đang gài chờ sẵn, nhào vô ắt lãnh thẹo sụp hầm.
Này nhé, trong chữ 3 các câu chẵn 2,4,6,8 mà đáng bằng ta viết ra trắc là mắc bẫy khổ độc (khó đọc) liền.
Rồi chữ thứ 5 các câu lẻ 1, 3, 5, 7 đáng bằng viết ra trắc cũng mắc bẫy khổ độc như trên.
Như vậy câu nhất tam ngũ bất luận chỉ chấp nhận cho đúng có nột nửa, nên  phải dè chừng cẩn thận, đừng có búa xua mà lãnh thẻ vàng.
3.     PHONG YÊU HẠC TẤT.
Món này tuy không lỗi luật, nhưng lại là thi bệnh, người làm thơ hay bị vướng, nó dính vào quy luật chuyển động âm thanh cao độ của vần bằng.
Phong yêu (cái lưng con ong), là chữ thứ 2 dấu huyền thì chữ thứ 7 phài là không dấu, hoặc ngược lại.
Hạc tất (cái đầu gối con chim hạc), là chữ thứ 4 dấu huyền thì chữ thứ 7 phài là không dấu, hoặc ngược lại.
Sách nói nó là cái bệnh nhẹ ngoài da, có thể hóa giải dễ dàng, một là sửa lại cho khác dấu, hai là chữ đứng trước nó có dấu ngược lại, là tự nhiên hóa giải xí xóa được ngay, cầm bằng cố chấp ương ngạnh để vậy, sẽ bị lườm nguýt, liếc xéo chê bai.
4.     THỰC VÀ LUẬN
Cái này gay à nha! Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ, nhưng 2 câu đối thực và luận mới chính là tinh hoa của tinh hoa, bài thơ đánh giá hay dở, phần lớn do 2 câu này, nó gọi là đối Đường luật đấy.
Đối là vế trước đề ra vế sau phải tuân thủ ngược lại về vận, nhưng ngữ pháp văn phạm lại phải giống nhau, về ý mới là căng, được chia làm nhiều dạng tùy nghi, như đối chính vận, bàng vận, nghịch vận, lưu thủy… nhiều sách đã đề cập đến phép đối này nguyên cả quyển, phức tạp nhiêu khê.
Nhiều bài thơ xem là hay, nhưng không đối, hoặc đối không đạt, hoặc đối đạt hình thức mà ý nghĩa gò ép ngô nghê, làm giảm nhiều cái giá trị tuyệt cú của nó, thật đáng tiếc.
Ý của thực phải đi trước và luận nương theo sau, nhiều vị không lưu tâm cảnh giác, nên bị “chỏng ngược đuôi ” là vậy.

5.     ĐIỆP TỪ
Chỉ có 56 chữ không nhiều nhặn, nên tuyệt đối không được trùng một chữ nào, trừ khi cố ý lặp lại chữ đó có chủ trương.
6.     ĐIỆP VẬN
Đã chọn 5 vần có âm giống nhau là chủ đế gieo, thì trong bài không được dùng vần nào dính với âm đó. Lại nữa, ngoài vần được chọn để gieo, trong 1 câu và cả câu liên kế, cũng không được có chữ nào khác trùng vận, bất kể bằng trắc.
Lão chưa đồng ý mấy về lời dặn này trong các từ kép, sách nói là sự lặp lại giống như cà lăm lắp bắp, nhưng theo cụ học giả Bùi Kỷ, khá nhiều chữ loại này nó gợi lên sự tượng hình làm dịu đi cái sắc thái ( xanh xanh, vàng vàng, tim tím, mờ mờ…) hoặc tăng nhấn thêm sự việc (chăm chăm, chú chú, cặm cặm…) Hay đấy chứ? Sao dám đe loi cấm đoán bảo là lắp bắp! Rõ dở hơi!
7.     PHẠM ĐỀ (mạ đề)
Tiếng còi cảnh báo này hầu như chả bố tướng nào lưu tâm, vờ vịt cho qua,  mà nó cũng liệt vào sái luật chơi, đó là tên bài. Tên đầu bài có chữ nào, tuyệt nhiên trong 2 câu thực và luận không được dùng chữ đó nữa, hễ dùng nó bị đánh rớt oan uổng rán chịu.
8.     TIẾT NHỊP
Ấy cái món phân câu chiết cú, nó tạo nên trường độ diễn tả, quy định tiết nhịp chuyển động trong thất ngôn bát cú từng câu là 2-2-3, nếu khác đi sẽ bị chông chênh, nên trong khi viết cũng nên quan tâm về sự này, tuy nhiên giống như trong âm nhạc, những thế đảo phách (syncõpe) có thể xen vào để tăng thêm ý vị,nên nhớ phải rất hạn chế không đuợc lạm dụng.
9.     THẺ ĐỎ.
Ba điều đại kỵ không chấp nhận được khi ra sân:
-Thất luật: công thức luật chơi đã công bố, vi phạm luật ăn thẻ đỏ ngay.
-Thất niêm: quy dịnh từng cặp đội hình, 1-8, 2-3, 4-5, 6-7 phải dán dính, niêm sai mời ra khỏi sân hếtcãi.
-Thất vận: quy luật gieo vận chỉ có 2 dạng, chính vận và bàng vận, chính vận thì tốt, bàng vận thì có thể chấp nhận.tơ lơ mơ không tuân thủ vận, chớ trách trọng tài cú vọ hắc ám.
* TÚM LẠI:
Nhập cuộc chơi Đường thi, phải “sạch nuớc cản”, biết rõ và tuân thủ, không ai bắt bạn phải a vào, bạn có thể viết loại thơ khác dể dàng hơn, tha hồ mà tung hoành thao túng, nhưng nếu vào sân chơi rồi, mới khám phá ra cái ngôn ngữ diệu kỳ của tổ tiên, độc âm nhưng vô cùng phong phú, chớ xem thường một anh không bằng cấptàng tàng, mà chú mục  làm thơ nhuần nhuyễn đến độ thâm hậu, lão đố các thầy cô giáo vỗ ngực, các bậc có học vị cao tít tắp xưng tên, xin nói rằng:  chưa chắc mèo nào xực mèo nào.

“Văn ta vợ người”! Cái câu thành ngữ tưởng tiếu lâm mà gẫm ra đúng thật, văn phong mình viết như hạch, lại gật gù tâm đắc, vợ người ngoài nhan sắc tựa dạ xoa, cứ cắc củm khen vẩu môi. Cái bệnh cố chấp tự bào chữa, chữ nghĩa biết trật không sửa, viện cớ chữ này đắc ý tuy chưa hợp lệ nhưng cứ để vậy, là tự mình làm hỏng tác phẩm, nên nhớ ngôn ngữ ta rất nhiều từ thay thế, chẳng qua vốn liếng ngôn phong mình vẫn chưa giầu…
Bài viết này lão cắt khúc đầu phần nhập môn, chỉ dành cho cao thủ thượng đài, đã từng trầy vi tróc vảy, đã điên đầu vi chiêu thức lùng bùng rắc rối, mục đích để nâng cấp tay nghề, đương nhiên không phù hợp với các tập sinh mới tầm sư học đạo, ai ưỡn ngực tự phụ vài tháng là êm ngón này, lão dám cược là tay đó chỉ phét rống đại ngôn…
Ngày xuân thư thả, lai rai đàm luận một chút cho rậm đám xôm tụ, ai ưng thì xem, xem xong rồi tùy nghi ngẫm ngợi!


Bongtaduong

15 tháng 2, 2015

ẤT MÙI CÁO THỊ




Mã đế thoái trào!
Dương vương kế vị.
Be he lời cáo thị!
Hí hí tiếng tuyên ngôn. 

 Mỗ tớ đây:
Râu dài thẳng đuột, quản tam cung chẳng ngại bồn chồn;
Sừng nhọn cong ve, cai lục viện đâu hề thoái thác.
Mỹ nữ hàng hàng luôn phép tắc;
Giai nhân lớp lớp cứ kỷ cương.

Sáng  ban ơn ân ái xuất chuồng;
Chiều giáng phúc vuốt ve nhập trại.
Trên duới lớp lang, một thủ lãnh chỉ huy thoải mái ;
Trước sau thứ tự, trăm nữ nhân quy phục rộn ràng.

Tổ tiên xưa:
Thâm cung dẫn lối Tẩn  Hoàng; (1)
Mật điện đưa đường Tấn Đế. (2)
Che bại tướng Tả Từ bảo vệ;(3)
Trợ anh tài Lý Thức chờ cơ. (4)

Nọ Duyệt nhân danh vọng ơ hờ; (5)
Kìa Tô Vũ khí hùng tỏ rạng (6)
Trời Nam quốc tửu thần Minh Mạng; (7)
Đất Lạc hầu duợc thánh Hoắc dương. (8)

Tích cũ ghi thanh sử tỏ tường;
Lời xưa chép huyết thư rành mạch.

Bởi vì:
Toàn thân tớ cao đơn vanh vách;
Khắp mình  ta mỹ vị tràn trề.
Chín món ngon: tiết- tái- nuớng- xào- um- hấp- lẫu- hèm- chả, rất đỗi  đê mê;
Bảy hương tẩm: chao- mè- gừng- riềng -xả- húng quế-mùi ngò, vô cùng tuyệt hảo.

Trai khí phách muời ly cụng ráo;
Gái chịu chơi bốn xị so cùng.
Ông phồng mang dương pín phừng phừng;
Bà híp mắt tái gừng liếc nháy.

Ngũ tạng mỗ chia năm xả bảy;
Tứ chi ta nát tám tan mười.
Mong hoàn sinh vinh hiển chờ thời;
Đợi tái kiếp thong dong đón lúc.

 Đời khối kẻ:
Ong non ngứa nọc;
Dê cỏn buồn sừng. (9)
Người đàm tiếu: Thói cà kê vẽ chuyện lung tung;
Kẻ chê bai : Tật dê ngỗng bày trò luẩn quẩn.

Thiên hạ hay chăng: Mã đề dương cuớc anh hùng tận; (10)
Nguời đời biết chứ: Hầu diện kê mao tặc tử chung. (11)
Vô số vị: Vỗ bụng cáo mượn râu hùm; (12)
Rất nhiều ông: Treo đầu dê bán thịt chó . (13)

Máu sắc dục trào lên xàm xỡ;
Tay dâm ô chộp xuống vày vò.
Ta năm thê bảy thiếp, cũng nghiêm minh cai quản ra trò;
Mỗ chín ghệ mười bồ, càng sáng suốt chỉ huy đúng điệu.

Hôm nay:
Giáp Ngọ thu cờ: nên tống cựu bày vài mâm rượu;
Ất Mùi tuốt kiếm: phải nghinh tân dọn chục hũ be.
Ghế vào đít tớ ngồi phè;
Cờ đến tay ta phất miết.

Mười hai tháng chúc dân hăng tiết;
Một năm tròn chào nước vững gan.
Ngửa mong Mùi tổ thương ban;
Cầu khấn Dương tông chỉ bảo.

Cẩn cáo!
Be he!

Bongtaduong

 CHÚ THÍCH:
(1) và (2) Tần Thủy Hoàng và Tấn Vũ Đế có cả ngàn cung phi, sau buổi lâm triều mệt mỏi, hằng đêm lên Dương xa (xe dê) tự kéo, dê ngừng truớc phòng nào, thì vua vào ân ái với cung phi ở phòng đó.
(3) Vào đời Tam Quốc: Khi Tào tháo đuổi bắt Tả Từ. Bí lối, Tả Từ liền chạy thẳng vào đàn dê, rồi dùng phép thuật biến mình thành dê. Khi Tào Tháo cho kiểm lại số dê thấy thừa một con, biết có Tả Từ trong đó, liền bảo: "Tả Từ cứ đầu hàng, ta không giết đâu mà sợ !". bỗng một con dê trong đàn bước ra gật đầu quỳ lạy. Quân binh xông vào bắt sống, tức thời cả đàn dê liền quỳ xuống, khiến tên quan không phân biệt được con dê nào là hoá thân của Tả Từ nữa ! Câu chuyện kết luận: Loài dê có đức độ hơn người, không phản trắc, không tố giác. 
 (4) sách "Hán thư" kể chuyện Lý Thức mặc áo dài, đi giày cỏ, chăn dê cả năm trời ở Thượng lâm để lập chí.
(5) Vua Chiêu Vương nước Sở bị mất nước, phải bỏ chạy.  Có người bán thịt dê tên là Duyệt, cũng chạy theo vua.Thời gian sau, vua trở về, lấy lại được nước. Vua bèn thưởng cho những người chạy theo mình khi trước, trong số đó có cả người bán thịt dê.Ai cũng nhận phần thưởng, chỉ duy người này từ chối, vua rất cảm khái khí tiết khen hết lời.
 (6) Tô Vũ, sứ giả nhà Hán Vũ Đế đi sứ sang Hung Nô. Triều đình Hung Nô có lời dụ hàng, Nhưng Tô Vũ giữ thể diện nhà Hán, giận dữ quát mắng, chúa Hung Nô là Thuyền Vũ sai quân áp tải đến giam vào hang sâu, với ý giết chết sứ thần nhà Hán. nhưng Tô Vũ không chết trong hang. Thuyền Vũ liền truyền lệnh đầy ông lên phương bắc, vắng như sa mạc, tuyết phủ quanh năm. Ông phải chăn một đàn dê đực, với sắc chỉ của chúa Hung Nô: " Bao giờ trong đàn dê đực đẻ con, sứ thần Tô Vũ mới được hồi huơng đất Hán. Thời gian sau Hán và Hung Nô giảng hoà,Tô Vũ được tự do về nước.   
(7) Toa thuốc ngự y bào chế cường dương cho vua Minh Mạng , truyền tụng từ lâu ở Huế.  Trong sách Nguyễn triều cố sự , tác giả Bửu Kế chép ra hai bài thuốc vua Minh Mạng theo tài liệu của Lương Y Tuệ Tâm, (thực chất 2 bài thuốc không có vị nào lấy tử con dê), có công dụng bổ dương tráng thận. Có câu: Nhất dạ lục giao sanh ngũ  tử (một đêm giao phối 6 lần, sinh ra 5 con quý), chỉ là khoa trương,
(8) Hoắc duơng: Gọi là Dâm dương hoắc vì dân gian thường lấy lá của loại cây này cho dê ăn và có công dụng làm tăng ham muốn tình dục. Dâm dương hoắc còn có nhiều tên gọi như: Cương tiền, Phương trượng thảo, Thiên lưỡng kim, Hoàng liên tổ, Ngưu giác hoa, Phế kinh thảo.
(9) Ong non ngứa nọc châm hoa rữa; Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa , Thơ Hồ Xuân Hương. Ý nói đám trẻ ranh động cỡn trêu ghẹo ong bướm phụ nữ.

(10)Mã đề dương cuớc anh hùng tận, (Móng ngựa chân dê anh hùng hết) : năm ngọ và năm mùi không còn anh hùng nữa,  câu sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (đa số các nhà nghiên cứu cho rằng: nhâm ngọ 1942, qúy mùi 1943 ứng vào chiến tranh VN và đại chiến thế giới lần 2).
(11)Hầu diện kê mao tặc tử chung. (Mặt khỉ mào gà gian hùng kết thúc) : năm thân năm dậu giặc giã không còn Câu này do tác giả tự… “phịa” ra, chỉ để đúng phép đối thể loại Phú)
(12) Nguyên chữ: Cáo mượn oai hùm: ý nói dựa quyền cậy thế (Tục ngữ VN)

(13)Treo đầu dê bán thịt chó: ý nói buôn bán lừa bịp (Thành ngữ VN)  

14 tháng 2, 2015

CHÚC MẸ CHA (Lục bát thuận nghịch)


Xuôi
Sang xuân mừng chúc mẹ cha
Xin cầu tùng bách cội già thêm tuơi
Cùng vui con cháu nói cười
Xem kìa khôn lớn dưỡng nuôi ai là?
Đông thêm nhà cửa thuận hòa
Vui đùa ca hát miệng hoa môi tròn  
Xa dù ngày ngóng tháng trông
Luôn luôn bày tỏ tạc lòng ghi tâm
Mai hôm gầy héo xác thân
Lo sầu bay biến trở trăn không phiền
Ngoài trong gia tộc ấm yên
Hằng mong cha mẹ tuổi thêm an bình

Ngược
Bình an thêm tuổi mẹ cha
Mong hằng yên ấm tộc gia trong ngoài
Phiền không trăn trở biến bay
Sầu lo thân xác héo gầy hôm mai
Tâm ghi lòng tạc tỏ bày
Luôn luôn trông tháng ngóng ngày dù xa
Tròn môi hoa miệng hát ca
Đùa vui hoà thuận cửa nhà thêm đông
Là ai nuôi dưỡng lớn khôn?
Kìa xem cười nói cháu con vui cùng
Tươi thêm già cội bách tùng
Cầu xin cha mẹ chúc mừng xuân sang.


Bongtaduong

12 tháng 2, 2015

ĐẦU XUÂN (lục bát thuận nghịch )



Xuôi:
Tươi xuân sắc thắm hoa ngàn
Trời mây trong vắt én đàn bay chao
Nồng hương gió quyện vui chào
Sông lay vời sóng lá xao thì thầm
Nơi nơi bướm lượn vườn sân
Cười reo thơ bé nhảy chân vui đùa
Tô hồng má thắm duyên ưa
Mơ hồn nhìn ngắm mắt đưa trông vời
Tình xuân trải rực xinh tươi
Ngược:
Tươi xinh rực trải xuân tình
Vời trông đưa mắt ngắm nhìn hồn mơ
Ưa duyên thắm má hồng tô
Đùa vui chân nhảy bé thơ reo cười
Sân vườn lượn bướm nơi nơi
Thầm thì xao lá sóng vời lay sông
Chào vui quyện gió hương nồng
Chao bay đàn én vắt trong mây trời
Ngàn hoa sắc thắm xuân tươi…
Bongtaduong

VỀ QUÊ



Ngơ ngác nay về đất cũ xưa
Bao năm xa xứ nói sao vừa
Lạ lùng tựa lạc phương đâu đó
Có phải quê nhà thuở ấu thơ?

Cầu đúc thay đò vuơn mố rộng
Phom phom xe cộ luớt ào băng
Đâu còn lịch kịch chèo khuơ nước
Bến cũ ngày nào biến mất tăm

Đường quê thẳng tắp lát xi măng
Lịch sự nhà nhà đã chỉnh trang
Sạch sẽ  tô vôi màu sắc nhã
Không còn mái lá vách tre ngăn

Bỡ ngỡ nghi ngờ tôi hỏi chút
Lạnh lùng em nhỏ lắc đầu không
Ngày xưa vồn vã nay đâu mất
Chỉ có trơ trơ chẳng thấy nồng

Cảnh vật thay rồi rất đẹp xinh
Hồn xưa cũng mất đổi thay tình
Nguời già xuống mộ lôi đi cả
Lớp trẻ bây giờ sống hiện sinh

Lẩm cẩm là tôi cứ ngỡ ngàng
Quê nhà thuở ấy đã xa xăm
Gia phong vỡ vụn tan thành khói
Để lại trong hồn những khối băng

Ôi có còn đâu bao kỷ niệm
Của thời son trẻ vết rêu phong
Con đò lối cũ hồn thu thảo
Mất cả nay còn một chữ không!

Bongtaduong

7 tháng 2, 2015

CUỐI NĂM VIẾNG MỘ


(Thuận nghịch độc)
Đọc xuôi
Nhang trầm tỏa ấm mộ tình thân
Nhớ tưởng người qua kiếp thế trần
Chan chứa những ngày từng thiết ái
Ắp đầy bao buổi lắm tri ân
Ngàn muôn khổ dứt cầu yên nghỉ
Vạn ức sầu buông chúc trọn phần
Toàn vẹn đã xong đời ảnh ảo
 Van nài tiếng nhận Chúa từ nhân

Đọc nguợc
Nhân từ Chúa nhận tiếng nài van
Ảo ảnh đời xong đã vẹn toàn
Phần trọn chúc buông sầu ức vạn
Nghỉ yên cầu dứt khổ muôn ngàn
Ân tri lắm buổi bao đầy ắp
Ái thiết từng ngày những chứa chan
Trần thế kiếp qua người tưởng nhớ
Thân tình mộ ấm toả trầm nhang

Bongtaduong

5 tháng 2, 2015

MÀU TÍM CUỘC ĐỜI


  1. MỒNG TƠI
Dậu nhà quả chín mồng tơi
Hái về làm mực đầu đời viết tên
Tím loang năm ngón tay mềm
Thấm vào vạt áo nỗi niềm ngây thơ

  1. LỤC BÌNH (phiêu bồng)
Bèo tây theo nước lững lờ
Trên sông vô định biết bờ nào đâu?
Cuộc đời bể biếc ngàn dâu
Đồng quê xưa đó ví dầu bâng khuâng

  1. HOA SÚNG (thủy liên)
Ao đầm hoa súng trồi vươn
Thanh cao tim tím mà buồn mênh mang
Ơi lòng ai có ngổn ngang
Ngắm hoa thấy lại nồng nàn yêu thêm

  1. TRINH NỮ (xấu hổ)
Bờ mi vội khép buông rèm
Thẹn thùng xấu hổ hỏi tên lắc đầu
Chờ ai ôm kín nỗi sầu
Giữ niềm tâm sự bên cầu ngóng trông

  1. SIM
Chiều hoang khắc khoải chờ mong
Người xưa biền biệt nhớ nhung thương hoài
Đồi sim hun hút trải dài
Như hồn thiếu nữ đợi ai ngàn trùng

  1. BÌM BÌM
Đường tơ quấn quýt lạ lùng
Dài tay níu lại ta cùng leo lên
Dù đời đổi trắng thay đen
Mặc hàng dậu đổ còn tên chúng mình

  1. PHƯỢNG TÍM
Xa rồi một thuở học sinh
Phượng lên màu tím hoa tim còn chờ
Hồn buồn chép lại dòng thơ
Mở trang lưu bút chưa mờ nét xưa

  1. PEN SEE (păng-xê)- (hoa buớm)
Nhớ người dằng dặc tương tư
Chưa lần gẫy đổ mà như thành sầu
Chờ nhau còn đến bao lâu
Riệng tôi ôm mối tình đầu không phai

  1. BẰNG LĂNG
Rừng sâu bước mỏi mệt nhoài
Mà tình lẽo đẽo bám hoài không buông
Nhìn lên hoa tím bâng khuâng
Gợi lên màu nhớ sắc buồn miên man

  1. FORGET ME NOT (đừng quên tôi)
Xin đừng quên nhé tri âm
Dẫu mai tôi chết mộ phần nằm yên
Chút tình lưu lại làm duyên
Trăm năm một kiếp ưu phiền xếp ngăn…


Bongtaduong