Trang

8 tháng 1, 2017

NGÀY ÁP TẾT



Nhớ về quê xưa sau 50 năm lưu lạc, tất cả đổi thay không còn chi dấu vết, cầu tre lắc lẻo đâu rồi, mái lá vách đất còn chi, thay vào đó là bê tông hoá toàn bộ, cửa nẻo khang trang, đường xá nhẵn phẳng, nhà cao cửa rộng, thánh đướng nguy nga, lối vào nghĩa trang rộng rãi, hai bên cây kiểng tỉa tót xanh um, xe cộ phóng vèo vèo lịch lãm, bất chợt cảm khái nghĩ đến câu thơ bi thống:
-Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo - nền cũ lâu đài bóng tịch dương…
Bao ký ức xa vời hiên về mồn một trong tâm khảm.
o0o
Trời trong, cao và xanh ngắt, những lọn bông trắng từ cây gòn bay lả tả quyện theo chiều gió, từng đụn rơm to tướng vàng nhạt đã mọc lên sau nhà, ngoài cánh đồng mênh mông vừa qua mùa thu hoạch chỉ còn trơ cuống rạ vàng nâu, không gian toàn vùng châu thổ miền Nam hơi se khô lành lạnh, năm cũ niên lịch sắp qua, cứ thế xoay vòng luân chuyển để rồi sang năm mới, đánh dấu bằng cột mốc thời gian: Tết cổ truyền nguyên đán, ấy là vào khoảng thập niên sáu mươi.
Dân từ Bắc vào Nam định cư miền châu thổ Cái sắn, nhà nhà quy tụ hai bên bờ kênh đào, sinh nhai chuyên nghề làm ruộng, mảnh đất phì nhiêu mưa thuận gió hoà ưu đãi, mới dăm năm mà đã thoát cảnh bần hàn, của để thì chưa nhưng cái ăn đã đủ, người người rộn ràng đón chào năm mới xem ra vui đáo để.
Tối hôm 29 tết bố tớ truyền hịch:
-Sáng mai mẹ đi chợ, chị sửa soạn nồi niêu bát đĩa xoong chảo, quét tước thu vén, anh cắt tàu chuối lá dong rồi đi mổ lợn chia phần, bố lau dọn bàn thờ, sửa mộ, thằng cu con sai vặt chỉ đâu đánh đó, ai vào việc nấy cấm cãi, hết.
Mẹ lầm bầm:
- Bố mày cứ như ông tướng
 Chị cười rúc rích, anh vòng tay: 
-Tuân chỉ lão tiền bối,
 Mặt bố tớ vênh lên đúng nòi gia trưởng.
Mới gà gáy canh tư, mẹ đã lục đục cắp thúng đi chợ, đoạn đường chợ xa đi bộ tính bằng cỗ tràng hạt 3 mùa, chị cũng lỉnh kỉnh vo gạo thổi cơm,  lạch cạch nồi niêu ngâm gạo nếp, đỗ chè để gói bánh. Mới tảng sáng thôi mà cả nhà ai cũng bận rộn lăng xăng theo phân công của bố, hăng tiết tựa người lính sắp xung phong trận mạc.
Anh lớn xăng xái ra vườn như y lệnh rồi sang nhà hàng xóm phụ mổ lợn chia phần “đánh đụng”, các nhà rủ nhau bàn bạc trảm nguyên một chú trư to, sáu tháng bồi dưỡng vỗ béo toàn cám gạo rau khoai, không qua một lần hoá chất, nay đến ngày “hiến tế” cho người, bõ bao thời gian nhọc nhằn nông vụ.
Bố vác xẻng cuốc lên vai, tớ ôm nhang nến lẽo đẽo sau như tiểu đồng hầu sư phụ, băng đồng tiến thẳng Đất thánh, năm trước mai táng ông nội mãn phần, nghĩa trang đã quây khu nhưng chưa tạo lập, mươi hình thánh giá đánh ghi mộ phần người khuất, trơ vơ giữa đồng không mông quạnh, héo hắt đìu hiu với buổi tàn đông, chẳng cây cao bóng cả, chỉ lèo tèo vài đám đài bị rậm rì lúc nào cũng xanh ngắt, mấy bụi lách lau tháng chạp trổ bông phất phơ trong gió … Bố cuốc cỏ đắp đất vun mộ, hai cha con cúi đầu tưởng niệm vong linh, đọc kinh cầu cho ông nội đã xa phần dương thế, mỗi người thầm thĩ khấn xin, vòng hương khói mờ thoang thoảng, ánh nến nghiêng ngả chao chao, mong ông nội chứng giám thành tâm, tội nghiệp cụ quá, nắm xương già gởi cho phần đất ly hương, kiếp người đến ngày chấm hết… Rồi ra khi nghĩa  trang vượt lập xong, nhất định phải xây cho cụ khung mồ xứng đáng, gọi là chút báo hiếu thành tâm.
Mẹ đi chợ đã về, trong thúng bao nhiêu là lương thực, nào hạt dưa bánh mứt chè sen , nào cam quýt củ quả ê hề, ôi thôi đủ thứ, tớ nhẩy cẫng lên sung sướng quá, ước chi ngày nào cũng vậy…Vội vàng nhảy tót sang nhà hàng xóm, phần thịt anh đã chia xong, đâu cần bàn cân chính xác, đại khái bốn cây thăm, ai rút trúng thăm nào nhận phần thịt đó, không phân bì so đọ, giản đơn mà vui vẻ đề huề. Bố đang sửa sang bàn độc, lau chùi khung ảnh chân đèn, mỗi động tác đều trịnh trọng kính cẩn, mong đêm xuân thần linh về chứng giám.
Buổi chiều bố trải chiếu ra chái bếp hì hục gói bánh chưng, anh ba cũng khéo tay ra phết, tấm bánh vuông vắn chắc nịch, bố vừa làm vừa kể cho cả nhà nghe sự tích ngày xưa, đời vua Hùng thứ 6 có hoàng tử Tiết Liêu thật thà chơn chất, được thần linh mách dậy trong chiêm bao, làm ra tấm bánh, cùng nhiều  hoàng tử khác dâng lễ phẩm lên vua, với bao nhiêu sơn hào hải vị, kỳ hoa dị thảo, ngọc ngà quý hiếm. Trong khi đó Tiết Liêu chỉ có giản đơn mâm bánh dầy bánh chưng lại mang đầy nhân sinh triết lý, vậy mà đã làm cảm động vua Hùng, cho nối ngôi vương đế, sự tích này hơn hai mươi thế kỷ vẫn lưu giữ lại nhân gian, đó chính là phong tục truyền thống. Giọng bố đều đều giàn trải, cả nhà đang ồn ào bỗng im phăng phắc lắng nghe, thi thoảng một tiếng ồ vui suýt xoa thán phục.
Đêm đó khi nồi bánh đã được bắc lên, lửa bập bùng reo trong bếp, bố con nằm khểnh giữa sân gác chân chữ ngũ thong thả ngắm bầu trời, đêm trừ tịch vầng trăng đi vắng, sông ngân hà bát ngát ánh bạc vắt ngang, các ngôi sao lung linh nhấp nháy, bố chỉ cho tớ nhận biết vị trí sao thất tinh Bắc đẩu, Tua rua, Song sinh, Thợ săn, Cự giải… Tháng này khi canh hai mới thấy được sao Mai phương đông và sao Thập tự phương nam… Cứ như là nhà thiên văn thực thụ ấy!
Chờ đúng nửa đêm, giây phút giao thừa long trọng, cả nhà quây quần hướng lên bàn thờ đọc kinh phục dĩ cầu cho tiên tổ, khấn xin Chúa Trời ban bình an , đó đây những tràng pháo nổ đì đùng đón chào năm mới, hồi đó pháo được tự do sản xuất và vui chơi, chứ không như bây giờ cấm tiệt, đúng là:
-Tết xưa pháo nổ trước hè - Tết nay pháo nổ lên xe vô tù.
Cả nhà càng thêm rộn rã khi anh rể chồng chị cả cõng con lần mò sang chúc tuổi, cháu gái đầu lòng bé tí mà lanh lợi, được bà ngoại chuẩn bị sẵn, moi túi lì xì mừng tuổi nguyên một phong bao, và cậu út là tớ làm ngựa nhong nhong hầu công chúa…
Bố khề khà nhấm nháp chút men đầu xuân gật gù cùng anh rể. bánh chưng nóng hổi mới vớt ra, món dưa hành tím nhạt hấp dẫn với đĩa thịt luộc ba rọi ngậy bùi, bố vợ con rể “người dưng khác họ” ra chiều tâm đắc lắm, quả là:
-Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh. 
Một đêm trừ tịch thanh bình chưa tiếng súng…
o0o
50 năm vèo qua vật đổi sao dời, bố mẹ thân xác đã nghỉ yên nơi quê hương thứ hai Cái Sắn, hài cốt ông nội cũng cải dời về nghĩa trang lịch sự, anh chị tớ thì lọm khọm lắm rồi, con cháu gái bé tí ngày nao giờ “nó” thành bà nội ngoại, nhưng sao kỷ niệm xưa cứ hiện về mồn một. Ngồi đây nơi phố thị phù hoa ồn ào náo nhiệt, tết ngày nay vẫn giữ chỉ là lấy lệ, đã có siêu thị nhà hàng cung phụng, chỉ cần nhấc cái “a lô”, sự tiện dụng đã mất dần đi cái truyên thống xa xưa, thật vậy:
-Tết xưa hồn thấy nôn nao - Tết nay cảm xúc cho vào hư vô.


Bùi Nghiệp

Không có nhận xét nào: