Trang

21 tháng 3, 2013

SÁNG TÁC PHÚ VÀ VĂN TẾ


Trước khi vào cuộc.
Ngày xưa (thập niên 60) khi còn nơi ghế nhà trường học những năm đệ nhị cấp, chương trình có đề cập tới thể “Phú” , nhưng chỉ học qua loa tổng quát, mà không đi sâu vào chi tiết, các bài như Hàn nho phong vị phú (Nguyễn Công Trứ), Phú hỏng thi (Trần Tế Xương) v.v...nội dung mang nhiều điển cố nên học chỉ để học, rồi qua kỳ thi lên lớp lại quên thôi, cũng ít ai quan tâm lắm...
Nay nhân lang thang truy cập trên mạng, lượm lặt đó đây thấy một số bài viết, có ý muốn cho cái món này không bị mai một, vây cũng xin gom góp lại, chiềng các bác để rộng đường nghiên cứu tham khảo, và múa bút tung hòanh
Trên trang Web “Giáo sĩ Vietnam” có một đọan ngắn giới thiệu về thể lọai này như sau:
Phú có nhiều thể lọai, nhưng Phú Đường luật là môt lọai khá phổ biến ở nước ta trước đây, không những phải vần phải đối, đúng mẹo luật và có khuôn khổ. Bài phú phải tùy chọn một trong các vần như:độc vận, liên vận, hạn vận, phóng vận. Về các lối đặt câu thì dùng tứ tự, bát tự, song quan, cách cú , hạc tất. Bố cục bài phú phải tuần tự: Lung, biện nguyên, thích thực, phô diễn, nghị luận và kết.Nhiều  bài phú Đường luật ở nước ta có giá trị văn học rất cao và...bất tử.
Thêm thể lọai nữa là Văn Tế, khi xưa văn tế mang ý nghĩa rất rộng, tế thần thánh, quỷ ma, vong hồn, tế người sống kẻ chết và cả chúc tụng nhau. Văn tế được làm dưới nhiều hình thức như văn xuôi, lối tán, song thất lục bát và phú Đường luật. quy tắc hiệp vần lọai văn tế viết theo thể phú đường luật cũng theo thể thức như trên, phần bố cục có mở bài, nhắc tiểu sử, đức tính công nghiệp, thương tiếc và kết bày tỏ.
Những năm gần đây, trên thi văn đàn quốc nội cũng như hải ngọai, hai thể lọai này ít xuất hiện, không hẳn là lỗi thời mà do tính công phu sắp xếp “con chữ”,nếu để mai một nát với cỏ cây  thì thật có lỗi với tiền nhân ...
Thôi không cần rậm lời, chúng ta cùng vào cuộc nhé!

I - PHÚ .

Trong văn học, ta thường phân loại những tác phẩm thành thơ và văn . Văn thì không có vần luật bằng trắc và thơ thì ngược lại . Đời sống mầu nhiệm ở sự muôn mầu muôn vẻ . Văn học cũng thế, thiên hình vạn trạng . Nếu chỉ có hai loại thơ và văn không thôi, hoá ra văn học đơn giản lắm sao ? Chúng ta cũng có những thể loại gọi là văn cũng không được mà gọi thơ cũng chẳng xong . Đó là Phú và Văn Tế .

Phạm Đan Quế trong tập biên khảo về lẩy Kiều định nghĩa như sau :
- Phú vốn là một thể văn vần bắt nguồn từ thơ cổ không bắt buộc phải có đối . Nếu thơ thiên về tả tình thì phú thiên về tả cảnh nhưng vì cách đặt câu của phú khác với thơ nên thành ra một thể riêng . Dần dần, phú bị chia làm hai thể rõ rệt :
a) Phú có thể theo lối xưa (trước thời nhà Đường) không hạn định dài ngắn, niêm, đới, thanh âm chí cốt để gieo vần là đủ . Lối này thường có Sớ Từ( có dùng chữ hề), tứ tự, lưu thủy ...
Loại Phú cổ (trước nhà Đường) thiên về văn xuôi, không mẹo luật tương đối dễ . xin lướt qua bằng 1 bài phú cổ có tên Đồng Tước Đài Phú của Tào Thực, con thứ ba Tào Tháo :

Đồng tước đài phú .

Tòng minh hậu dĩ hi du hề
Đăng tầng đài dĩ ngu tình
Kiến Thái Phủ chi quảng khai hề
Quan Thánh đức chi sở dinh
Kiến cao môn chi tha nga hề
Phù song khuyết hồ Thái thanh
Lập trung thiên chi hoa quan hề
Liên phi các hồ Tây thành
Lâm Chương thủy chi trường lưu hề
Vọng viên quả chi tư vinh
Lập song đài ư tả hữu hề
Hữu Ngọc Long dữ Kim Phượng
Lãm Nhị Kiều ư đông nam hề
Lạc triêu tịch chi dữ cộng
Phủ Hoàng Đô chi hoành lệ hề
Khám vân hà chi phù động
Hân quần tài chi lai tụy hề
Hiệp Phi Hùng chi cát mộng
Ngưỡng xuân phong chi hòa mục hề
Thính bách điểu chi bi minh
Vân thiên tuyên kỳ ký lập hề
Gia nguyện đắc hồ song sinh
Dương nhân hóa vu vũ trụ hề
Tận túc cung vu Thượng kinh
Duy Hoàn, Văn Chi vi thịnh hề
Khởi túc phương hồ thánh minh
Hưu hỹ! Mỹ hỹ!
Huệ trạch viễn dương
Dực tá ngã hoàng gia hề
Ninh bỉ tứ phương
Đồng thiên địa chi qui lượng hề
Tề nhật nguyệt chi huy quang
Vĩnh quý tôn nhi vô cực hề
Đẳng quân thọ ư Đông hoàng
Ngự long kỳ dĩ yêu ngao hề
Hồi loan giá nhi chu chương
Ân hóa cập hồ tứ hải hề
Gia vật phụ nhi dân khang
Nguyện tư đài chi vĩnh cố hề
Lạc chung cổ nhi vị ương !

Trên đây là phú cổ trước thời nhà Đường . Ta thấy tuy rằng có vần nhưng số chữ trong câu không nhất định và nhất là đọc lên nghe rất ngang tai vì cũng chẳng có bằng trắc chi hết . Văn học Việt nam hiếm thấy loại phú này . Xin nhắc đến thể phú này để tiện tham khảo cho đầy đủ thôi . Mạn phép miễn dịch Nôm vì không nằm trong mục đích bài này .
b) Phú Đường luật được các thi gia đời Đường về sau thường dùng . Phú Đường luật không những có vần mà phải có đối, đúng luật bằng trắc và theo một khuôn khổ nhất định . Đây là thể Phú thông dụng nhất tại Việt Nam ta .
Hãy tập trung vào việc nhận xét loại Phú Đường luật , qui tắc và mẹo luật của nó .
VẦN TRONG PHÚ ĐƯỜNG LUẬT : Có nhiều cách gieo vần như sau :
a) Độc vận : Toàn bài, từ đầu chí cuối chỉ dùng một vần . Xin tham khảo bài Gia Định thất thủ phú của cụ Phan Văn Trị , dùng độc vận ở cuối bài .
b) Liên vận : Bài phú có nhiều vần liên tiếp .
c) Hạn vận : Bài phú bắt buộc phải theo đúng thứ tự các chữ trong một câu cho sẵn để làm vần cho đủ, không được gieo vần khác vào .
d) Phóng vận : Vần nào cũng được .
Bài phú có nhiều đoạn, mỗi đoạn có nhiều liên, mỗi liên có hai vế đối nhau . Vần phải gieo vào cuối vế thứ nhì, tức là vần ở cuối liên .
CÁCH ĐẶT CÂU : Tùy theo số chữ và cấu tạo, ta có 5 lối :
a) Tứ tự : Mỗi vế có 4 chữ . Ví dụ :
Về Thúy Kiều : Tài sắc gồm hai, phong lưu rất mực .
Về Thúc Sinh : Thanh khí lẽ hằng, hoa khôi tiếng mộ .
b) Bát tự : Mỗi vế 8 chữ chia thành 2 đoạn bằng nhau . Ví dụ :
- Bàn vày điếm nước, họa đàn đường tơ; Bầu tiên rót rượu, câu thần nối thơ .
- Mà gầy như mai, mà buồn như cúc; mà chau đôi mày, mà vò chín khúc .
c) Song quan : Mỗi vế có từ 5 đến 9 chữ đi liền một mạch . Ví dụ :
- Cùng nhau vàng đá mấy lời; Dám tiếc tóc tơ một mối .
- Kiếp phong trần đã đến thế thì thôi; Nợ oanh yến phải lấy thân mà trả .
d) Cách cú : Mỗi vế chia thành hai đoạn dài ngắn khác nhau . Ví dụ :
- Chẳng ngờ gã Giám Sinh, phong tình là đứa; chung lưng con mụ Tú, buôn bán quanh năm .
- Kiếp má hồng toan trả Trời xanh, sực thấy mấy câu thần mộng; Doành nước biếc nổi cồn sóng bạc, thân thương đến khách tri âm .
e) Hạc tất (hay gối hạc) : Mỗi vế có từ 3 đoạn trở lên . Ví dụ :
- Trên tường gấm, ơn lòng quân tử, mơ quạt đổi trao; Dưới lầu son, vắng m,ặt tri âm, vò tơ bối rối .
- Giây phút tớ thầy chẳng tới, già Tú ơi, vùi dập sao nỡ đang tay! Khéo đâu như báo đến lời; Sở Khanh hỡi, nông nỗi nước này cũng lạ .

LUẬT BẰNG TRẮC :
a) Những chữ ở cuối mỗi vế phải theo luật bằng trắc là : Chữ cuối ở vế trên trắc thì chữ cuối ở vế dưới bằng hay ngược lại . Ví dụ :
- Thanh khí lẽ hằng (B); Hoa khôi tiếng mộ (T) .
- Ngày xuân mưa gió càng nồng(B); Đêm xuân đi về lắm độ (T).
- Trăm năm tính cuộc (B); Muôn sự tại Trời (B) .
- Cho thanh cao phần thanh cao mới được(T); Bắt phong tra6`n cũng phong trần như ai (B) .
b) Trong một vế có nhiều đoạn nhỏ thì chữ cuối của mỗi đoạn nhỏ ở trước, gọi là chữ đậu câu, phải nghịch thanh với chữ cuối cùng của vế ấy . Nghĩa là chữ cuối của vế là bằng thì các chữ đậu câu (chữ cuối của các đoạn nhỏ) trong vế ấy phải là trắc hay ngược lại . Ví dụ :
- Được một vài phân (B), lan huệ một nhà sực nức(T); Có ba trăm lạng(T), yến oanh ngoài cửa xôn xao (B) .
- Chàng Thúc lấn ra (B), thở thở than than (B), tình ấy muôn cam chịu bạc (T); Tiểu thư chợt đến (T), cười cười nói nói (T), lạ cho cái giống nhà ghen (B) .

CÁCH BỐ CỤC MỘT BÀI PHÚ :
Nếu như trong bài thơ thất ngôn bát cú, bố cục gồm 4 phần là đề, thực, luận, kết thì trong một bài phú, cách sắp đặt các đoạn mạch gồm có 6 phần :
a) Lung : Trình bày tổng quát đầu bài .
b) Biện nguyên : Xác nhận đầu bài, nêu rõ nguyên ủy gốc tích, giải thích rõ ý của đầu bài mà chuyển vào bài .
c) Thích thực: Mô tả hết ý nghĩa của đầu bài .
d) Phô diễn : Suy rộng ý của đầu bài .
e) Nghị luận : Phê phán, đánh giá, bàn bạc ý nghĩa của đầu bài .
g) Kết : Gói ghém chung ý tứ của đầu bài lại .

PHÂN TÍCH :
Như trên đã trình bày, bài phú có nhiều đoạn, mỗi đoạn có nhiều liên, mỗi liên có hai vế đối nhau . Để rõ ràng , xin phép không dùng cách chấm câu theo lối văn phạm thông thường là dấu phẩy dùng để ngắt đoạn mà ý vẫn còn tiếp nối sang đoạn sau, dấu chấm dùng để ngắt câu đã trọn ý . Xin đặt ra quy ước chấm câu như sau : Mỗi 1 đoạn trong vế cách nhau bằng dấu phẩy, mỗi vế cách nhau một dấu chấm phẩy và hai vế (tức một liên) thì xuống hàng . Nhắc lại hai vế trong một liên phải đối với nhau . Bằng cách này tuy có chỗ phi lý, chẳng hạn câu :
-Sao rằng gian, sao rằng nịnh, ai muốn hỏi hãy nhìn tiêu trên mả Ngụy Khôi; Đâu là họa, đâu là tai , ai muốn hỏi nên xem bảng tại làng Đa Phước .
Đoạn "Sao rằng gian, sao rằng nịnh" và đoạn "Đâu là họa, đâu là tai" phải được đánh dấu hỏi mới hợp lý nhưng xin chỉ đánh dấu phẩy để cho rõ nó là tiểu đoạn trong vế . Sau dấu chấm phẩy là bắt đầu vế sau, đến khi xuống hàng là hết một liên . Cách chấm câu này làm cho việc phân tích bài phú thêm rõ ràng . Xin đừng bắt lỗi chấm câu theo cách thông thường nhé .

Cũng nhằm việc làm cho rõ ràng, xin đánh số mỗi liên để tiện việc tham khảo . Bài chọn để phân tích là bài Cáo thị Cần Vương, tác giả không rõ . Sơ lược về bối cảnh lịch sử bài phú như sau :

Mùa xuân năm Kỷ Mùi 1859, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lăng nước ta . Đồng bào lục tỉnh miền Nam đang sống an bình bỗng trở nên nghiêm trọng . Cuộc chiến tranh Việt Pháp diễn ra, triều đình phải ký kết nhường ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường cho Pháp . Theo tinh thần bản ký nhượng này, triều đình phải ngưng các cuô.cnổi dậy đề kháng cu/a các sĩ phu và dân chúng lại .
Tuy nhiên mặc cho lệnh triều đình, dân ta vẫn nổi lên chống lại . Bài cáo thị Cần Vương ra đời vào khoảng thời gian ấy với nội dung là kêu gọi lòng yêu nước trong nhân dân, nổi lên chống Pháp . Chúng ta chưa biết tác giả là ai, nhưng hẳn tác giả là một bậc sĩ phu miền Nam, kêu gọi đồng bào chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược . Cùng với nhân dân và đi trước nhân dân, bậc sĩ phu nước ta đã góp phần lớn lao trong công cuộc chống ngoại xâm bền bỉ, liên tục nhiều ngàn năm . hãy phân tích bài Cáo thị Cần Vương sau đây :

Cáo thị Cần Vương (Liên vận)

1 - Lời truyền cáo thị; Nói với sĩ phu .
2 - Nước Nam ta có mối xung thù; Cùng giặc Tây là loài di địch .
3 - Bởi chúng nó đem lòng bội nghịch; Kkhiến dân mình gặp thuở loạn ly .
4 - Chẳng qua là Trời bắt gian nguy; Cho nên nỗi nước nhiều tai nạn .
5 - Đường trị loạn sách xưa còn bản; Lẽ chánh tà đời trước treo gương .
6 - Làm người khôn nghĩ xét cho tường; Thà đứa dại lỗi đường cũng đáng .
7 - Nọ thủa Hung Nô đánh Hán, tướng mạnh như hùm, binh đông như cỏ, cướp ải Lang, dành ải Hổ, tới mãn tuồng Nô cũng về Nô ; Kìa khi Đột Quyết quấy Đường, xe đi chật đất, ngựa tế đầy đồng, phá trấn Bắc, đốt trấn Đông, chừng rã đám Đột hoàn lại Đột .
8 - Xa thơ mới hãy còn lộn một; Phong cương này há để chia ba .

Nay Tây cùng Ta :
9 - Muôn trùng non nước cách xa; Trăm việc ở ăn lạ thói .
10 - Tuy lắm tàu đồng ống khói; Dẫu nhiều súng thiếc đạn chì .
11 - Trải sáu tỉnh qua dẹp cõi biên thùy; Hơn trăm trận liền hao ngôi tướng soái .
12 - Đòi xin ba tỉnh , lời nào rằng phải; Bắt họa muôn dân, của mấy cho vừa .
13 - Ta hiệp lòng há nhịn thua ư; Mọi lấn chỗ sao đành để vậy .
14 - Ở đâu mà chẳng thấy phá miễu chùa, đào mồ mả, làm những việc bất nhân; Ở đâu mà chẳng thấy đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm những điều vô đạo .

Hỡi ơi !
15 - Thành xiêu quách đổ bởi ai gây; Ruộng nát vườn tan do lũ ráo .
16 - Lồng lộng cao xanh, há nỡ để dân ta búng xáo; Mênh mông soi xét, lẽ nào cho chúng nó ăn chơi .
17 - Xưa nay ai mạnh qua Trời; Đâu đó vật đều có chủ .

Ngỏ nay :
18 - Nơi Thần Kinh ấy nơi thiên phú; Đức Kim Thượng là đức Thánh Tông .
19 - Hơn ba mươi tỉnh hội đồng; Dư sáu chục năm huệ dưỡng .
20 - Văn võ hiếm người làm tướng; Man di nhiều nước đến chầu .
21 - Nhớ xưa kia chúng đã cúi đầu; Đến nay lại tay nào trở mặt .

Ớ các tổng làng !
22 - Chớ thấy chín từng hòa nghị mà tấm lòng địch khái vội quên; Chớ rằng ba tỉnh trọn vong mà công cuộc báo cừu nỡ bỏ .
23 - Nhớ mới thuở rèn mác trường, đương nón gỗ, lên đường hăm hở ra oai .
24 - Há buổi nay chạy bạc nén, vén tiền trăm, vào cửa lom khom tạ nó .
25 - Mặt đâu tới lãnh bằng ngày nọ; Xác nào ra đầu thú hôm nay .
26 - Đã thề nguyền hết sức đánh Tây; Đâu sợ chết cúi mình theo giặc .
27 - Một đường cái há phân nam Bắc; Một tóc tơ nỡ nhuộm xanh vàng .
28 - Đừng cho thày Địch thở than; Chớ để họ Nhạc cay đắng .
29 - Ơn thủy thổ thảy đều mang nặng; Việc thần dân chớ khá lỗi nghì .
30 - Cố bảo nhau gắng giữ lòng bền; Đừng nghe chúng ra mà đầu thú .
31 - Chớ thấy Gò Công thất thủ, mà trở mặt hại nhau; Đừng rằng Bến ngher' an cư, mà đành lòng theo mọi .
32 - Sao rằng gian, sao rằng nịnh, ai muốn hỏi hãy nhìn tiêu trên mả Ngụy Khôi; Đâu là họa, đâu là tai , ai muốn hỏi nên xem bảng tại làng Đa Phước .
33 - Oan nhường ấy, tình nhường ấy, căm thù nhường ấy, tính sao trả được mới hài; Công bấy lâu, nghiệp bấy lâu, lao khổ bấy lâu, đâu nỡ bỏ đi sao phải .
34 - Dẫu có lỡ sát thời hãy tìm nơi sơn trại mà tụ tập anh hùng, sống vì Vua, thác vì Vua, dốc cùng lòng trước sau chẳng trái ; Dẫu có rủi sa cơ phải xuống dưới tuyền đài cũng phụng thờ hương khói, tên còn chép, họ còn chép, để nức danh thơm rọi sáng hoài .
35 - Chớ để xóm làng cho Bạch Quỷ vãng lai; Chớ để phần mộ cho Tây Dương phá hại .
36 - Khá ra tay mà vùa cột cái; Tua gắng sức chống đỡ tường xiêu .
37 - Để nghìn năm dằng dặc, vững đất Thuấn trời Nghiêu; Ngõ muôn kiếp miên miên, bền sự nghiệp thư son khoán sắt .
38 - Chữ đới thiên bất cộng, nghĩ căm căm ruột tím gan bầm; Câu giữ quốc đồng ưu, phải khăng khăng lòng ghi dạ tạc .


Bố cục :
Câu 1 - 4 là Lung , trình bày tổng quát đề bài .
Câu 5 - 8 là Biện nguyên, xác nhận đầu bài, nêu rõ nguyên ủy gốc tích, giải thích rõ ý của đầu bài mà chuyển vào bài .
Câu 9 - 14 là thích thực: Mô tả hết ý nghĩa của đầu bài .
Câu 15 - 21 là phô diễn : Suy rộng ý của đầu bài .
Câu 22 - 36 là nghị luận : Phê phán, đánh giá, bàn bạc ý nghĩa của đầu bài .
Câu 37 - 38 Kết : Gói ghém chung ý tứ của đầu bài lại .

Gieo vần :
Ta thấy mỗi một câu (tức một liên, chia theo cách phân tích) gồm hai vế đối với nhau chặt chẽ . Cách gieo vần thì chữ cuối một câu nếu là vần trắc, sẽ bắt vần với chữ cuối , vần trắc của vế trước giữa câu kế . Chữ cuối câu kế là vần bằng, bắt với vần bằng chữ cuối vế trước của câu kế tiếp . Cứ như thế đến hết bài . Ví dụ :

-Mặt đâu tới lãnh bằng ngày nọ; Xác nào ra đầu thú hôm "nay" .
-Đã thề nguyền hết sức đánh "Tây"; Đâu sợ chết cúi mình theo "giặc" .
-Một đường cái há phân nam "Bắc"; Một tóc tơ nỡ nhuộm xanh "vàng" .
-Đừng cho thày Địch thở "than"; Chớ để họ Nhạc cay đắng .

Chữ "vàng" ở cuối câu lại bắt vần bằng với vế trước của câu kế, chữ "than" . Lối gieo vận này gọi là liên vận .

Phép đặt câu :
Câu 1 đặt câu theo lối tứ tự , mỗi vế 4 chữ .
Câu 2 - 6 đặt câu theo lối song quan, mỗi vế có từ 5 đến 9 chữ đi liền một mạch .
Câu 7 đặt câu theo lối hạc tất . Mỗi vế có từ 3 đoạn trở lên, dài ngắn khác nhau .
Câu 8 - 11 là song quan .
Câu 12 đặt câu theo lối bát tự, mỗi vế có 8 chữ chia thành hai đoạn bằng nhau , mỗi đoạn 4 chữ .
Câu 13 theo lối song quan .
Câu 14 hạc tất .
Câu 15 là song quan .
Câu 16 đặt theo lối cách cú , mỗi vế chia làm hai đoạn dài ngắn khác nhau .

Xin chỉ liệt kê từ câu 1 tơi câu 16 thôi . Tới đây hẳn bạn phân biệt được phép đặt câu theo lối gì từ câu 17 cho đến hết bài rồi . Xin miễn nói thêm về lối đặt câu để tránh dài dòng .

Dẫu biết chép một bài phú nữa thì quá dài dòng, nhưng để bạn đọc biết về độc vận, xin phép chép một bài nữa, dùng độc vận .

Phú Gia Định thất thủ (độc vận)

Thương thay đất Gia định!
Tiếc thay đất Gia Định!
Vực hóa nên cồn; Đất bằng nổi sóng .
Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến trâu ; Dây thép giăng nhấp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng .
Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mờ; Non sông dời đổi họa mi, tưởng tới dường mê dường mộng .
Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, dọc ngang xe ngựa đất gò bằng; Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát chợ nhà Trời dậy sấm .
Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt âu ca; Tò le kèn thổi tối Trời nam, man mác năm canh không tiếng trống .
Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh (1); Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ thêm lúng túng .
Từ Bến Thành trải qua Chợ Đũi loài tinh chiên (2) loạn xạ biết bao nhiêu; Nơi Chợ Lớn sấp đến Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm .
Cầu Thị Nghè cùng nơi Chợ Quán, quân tham tàn đắc ý vênh râu; Chùa Cẩm Thảo trải tới Cây mai, Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng .
Nơi nơi nổi xóm mới nhà Tây; Chốn chốn lập đồn canh ụ súng .
Ngậm ngùi thay ba bốn làng Gò Vấp, cây cỏ khô , thân thế đều khô ; Bát ngát nhỉ mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng .
Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp tan tành; Đòi nơi Rạch Giá, Gò Công, trận gió quét cửa nhà trống lỗng .
Tiếng kêu oan, oan này bởi nước, hồn nhân dân biết dựa vào đâu; Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà nên đống .
Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay người thác chẳng yên phần; Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy kẻ còn khôn nỗi sống .
Sau trước vầy đoàn bạch Quỷ, dân ta đòi bữa đòi suy; Đêm ngày ỏi tiếng Lang Sa, thế nó càng ngày càng lộng .
Cờ Thành Thang sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ chông gai; Áo Võ Vương sao chẳng thấy gầy, nỡ để dân đen bùn lấm .
Đầu Trung nguyên tóc hỡi còn dài, ơn này nhờ có Bá, học Xuân Thu xin chớ kiếm Hoàn Công; Tay tả nhẫm(3) áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, đọc Luận ngữ cớ sao chê Quản Trọng .
Bóng xế dậm ngàn mây man mác, nước non này ai thấy cũng buồn; Trời chiều chim chóc nhẩy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động .
Ta nay nhân cảm với cuộc đời, Vậy nên tả một vài ngẫu vận .

(1) Tức là nghe gió thổi, chim hạc kêu mà phập phồng lo sợ tưởng như giặc tràn đến nơi . Tích Bồ Kiên, vua nhà Tần trước khi bị quân nhà Tấn đuổi đánh, quân sĩ tới đâu nghe tiếng gió thổi, chim hạc kêu cũng giật mình tưởng quân nhà Tấn đã tới .
(2) Tinh chiên là hôi tanh . Chỉ bọn cướp nước .
(3) Tả nhẫm là khép vạt áo sang bên trái, tục mọi rợ . Khổng Tử nói : "Không có Quản Trọng thì chúng ta khép vạt áo sang bên trái hết " . Nghìa là không có Quản Trọng thì phong hóa suy đồi, văn minh thành mọi rợ ngay .

Bài này dùng chỉ một vần "ộng" hay "ụng" , âm trắc . Không cần bắt yêu vận với chữ cuối của vế trước ở giữa câu kế .
Tới đây chúng ta có thể sang phần Văn Tế.

II - VĂN TẾ
1 - CÁC LỜI VĂN TẾ : Theo sách Thọ Mai thì Văn Tế có nghĩa rất rộng bao gồm các loại văn dùng để tế thần thánh, tế người sống kẻ chết và cả chúc tụng nữa . Nhưng về sau Văn Tế chỉ dùng để tế người chết, kể lể tính nết, công đức kẻ quá cố và nỗi thương nhớ của người còn sống đối với người đã mãn phần . Văn Tế thường được làm theo nhiều hình thức như :
a) Văn xuôi .
b) Lối tán, mỗi câu 4 hay 5 chữ . Có vần, có đối hoặc không đối .
c) Lối Phú cổ thể (dùng chữ hề, đã nói ở trên) hoặc lưu thủy .
d) Lối Phú Đường luật .
e) Trong văn Nôm, Văn Tế còn có thể làm theo thể song thất lục bát ( Như văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn Du).
Tuy vậy ta có thể qui thành 2 loại : Thể tự do và thể phỏng theo phú Đường luật .

2 - VĂN TẾ PHỎNG THEO ĐƯỜNG PHÚ :
a) Qui tắc hiệp vần . Cách đặt câu và luật bằng trắc của bài Văn Tế theo đúng thể thức của Phú Đường luật đã trình bày trên . Ta có thể lấy bài Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu làm tiêu biểu cho thể loại Văn Tế theo qui tắc Phú Đường luật sau đây :


Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc

-- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888)

Hỡi ơi !
1 - Súng giặc đất rền; Lòng dân trời tỏ.
2 - Mười năm công vỡ ruộng, xưa ắt còn danh nổi như phao; Một trận nghĩa đánh Tây,thân tuy mất tiếng vang như mõ.

Nhớ linh xưa !
3 - Côi cút làm ăn; Riêng lo nghèo khổ,
4 - Chưa quen cung ngựa đưa tới trường nhung;chỉn biết ruộng trâu ở theo làng hộ
5 - Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen; Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó .
6 - Tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như nắng hạn trông mưa; Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ .
7 - Đêm thấy bòng bong che trắng lớp, những muốn ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen xì, toan ra cắn cổ .
8 - Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi huơu; Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó .
9 - Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ .

Khá thương thay !
10 - Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo giòng ở lính diễn binh; Chẳng qua là dân ấp, dân làng, mến nghĩa làm quân chiêu mô..
11 - Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; Chín chục trận binh thư, không chờ bày bố .
12 - Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi; Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ .
13 - Hoả mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ .
14 - Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như khộng; Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có .
15 - Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mả tà, mả ái hồn kinh; Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ .
16 - Những lăm lòng nghĩa sau dùng , đâu biết xác phàm vội bỏ; Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây .
17 - Trăm năm âm phủ ấy chữ quy, xá đợi gươm hùm treo mô; Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng .
18 - Chẳng phải án cướp, án gian đày tới, mà vi binh đánh giặc cho cam tâm; Vốn không giữ thành, giữ luỹ bỏ đi, mà hiệu lực theo quân cho đáng số .

Nhưng nghĩ rằng
19 - Tấc đấc ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta; Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó ?
20 - Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; Vì ai xui hào luỹ tan hoang, xiêu mưa ngà gió ?
21 - Sống làm chi theo quân tả đạo, quẳng vùa hương, xô bàn độc, nghĩ lại thêm buồn; Sống làm chi ở lính mả tà, chia rượu ngọt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ .
22 - Thà thác mà đặng câu dịch khái, về sau tổ phụ cũng vinh; Hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ .

Ôi thôi thôi !
23 - Chùa Lão Ngộ năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; Đồn Tây Dương một khắc đặng rửa hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
24 - Đau đớn mấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; Não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, con bóng xế vật vờ trước ngõ .

Ôi !
25 - Một trận khói tan; Nghìn năm tiết rỡ .
26 - Binh tướng nó rày đóng sông Bến Nghé, còn làm cho bốn phía mây đen; Ông cha ta còn ở đất Đồng Nai, ai cứu đặng một phường con đỏ .
27 - Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh cũng đều khen; Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng hay trải muôn đời ai cũng mộ .
28 - Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó .
29 - Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; Cây nhang nghĩa khí thắp nên thơm, cám bởi một câu vương thổ .

Hỡi ơi !
Có linh xin huởng !

Bài này theo qui tắc Phú độc vận , dùng vần "ổ" . Xin được đã đánh số cho mỗi "liên", mời các bạn phân tích mỗi câu dùng lối Tứ tư,, bát tư, song quan, cách cú hay gối hạc nhé . Dễ thôi mà .

b) Bố cục bài Văn Tế : Chia làm 4 phần như sau :
1 - Phần mở bài, thường bắt đầu bằng câu than : "Than ôi", "Than rằng" hoặc "Thương ôi", "Hỡi ôi" . Trước hết đặt một câu cách cú hoặc gối hạc rồi một câu song quan . (xin đọc lại phần giải thích gối hạc, song quan trong phần nói về Phú ở trên) .
2 - Phần kể về đức tính, công nghiệp của người chết, thường bắt đầu bằng mấy chữ "Nhớ cha xưa", "Nhớ linh xưa" ... Trước hết đặt vài câu tứ tự hoặc bát tự rồi đến những câu cách cú, song quan, gối hạc nhiều ít tùy ý .
3 - Phần than tiếc người đã khuất, thường bắt đầu bằng chữ :"Ôi" hoặc "Ôi thôi", "Ai tai" ... Cách đặt câu cũng như trên .
4 - Cuối cùng là phần tỏ tình thương nhớ của người đứng tế, thường bắt đầu bằng mấy chữ : "Con nay", "Bản chức nay", "Tôi với ông nay" ... Cuối phần này là 2 chữ :"Thượng hưởng" có nghĩa là mong ước hưởng cho dùng kết thúc bài Văn Tế .

Ngạc Nhi tức Francis Garnier, tên tướng thực dân Pháp, đem binh ra Hà Nội can thiệp vụ Đồ Phổ Nghĩa (Jean Dupuis) không được nhà cầm quyền ta cho phép chở hàng lên Vân Nam bằng đường sông Hồng, để xâm chiếm Bắc Kỳ . Ngạc Nhi đánh thành Hà Nội, và sau đó bị liên quân Cờ Đen và nghĩa binh ta phục kích giết chết ở ô Cầu Giấy . Theo cụ Phạm Trung Hợp (tức Đồ Huyên) người làng Dũng Quyết, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định là môn đệ cụ Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền, và đã từng tham gia phong trào Văn Thân kể lại thì bài Văn Tế Ngạc Nhi là của cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến, người làng Yên Đỗ, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam . Sau khi ký hòa ước Việt Pháp các quan ta tại Hà Thành tổ chức lễ truy điệu Francis Garnier để lấy lòng người Pháp . Quan tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc, người sợ Tây khét tiếng, cử cụ nguyễn Khuyến làm một bài Văn Tế . Cụ đành nghe lời, vì đây là lệnh cửu trùng qua miệng quan tổng đốc .
Bài Văn Tế rất ngắn, nhưng rất lạ , nhất là thoát hẳn với các thể tài Văn Tế khác xưa nay, kể cả nội dung lẫn hình thức, và rất sát với thực tế, với những nét đặc biệt của một tên thực dân . Lời văn bình dị và mỉa mai, toàn bài không có một điển tích hay sáo ngữ nào .
Bảo rằng tế nhưng thực ra là chửi . Nhất là lại bảo "ăn no uống say" để rồi "nằm cho yên ổ" thì khác nào như bảo lũ chó chết . Mỗ chịu khó gõ cho các bạn xem, không phải Văn Tế nào cũng cầu kỳ rắc rối như đã kể trên đâu .

Văn Tế Ngạc-Nhi

Than ôi !
Một phút sa cơ .
Ra người thiên cổ .

Nhớ ông xưa:
Cái mắt ông xanh,
Cái da ông đỏ,
Cái tóc ông quăn,
Cái mũi ông lõ,
Đít ông cưỡi lừạ
Miệng ông huýt chó .
Lưng ông đeo súng lục liên,
Chân ông đi giầy có mỏ .
Ông ở bên Tây,
Ông sang đô hộ .
Đánh giặc Cờ Đen,
Để yên con đỏ .

Nào ngờ:
Nó bắt được ông,
Nó chặt mất sọ .
Cái đầu ông đây
Cái mình ông đó .
Khốn nạn thân ông,
Đù cha mẹ nó !

Tôi :
Vâng lệnh quan trên,
Cúng ông một cỗ,
Này chuối một buồng
Này rượu một hũ,
Này xôi một mâm,
Này trứng một rổ,
Ông có linh thiêng,
Mời ông xơi hộ,
Ăn uống no say,
Nằm yên một chỗ .
Ối ông Ngạc Nhi ôi !
Nói càng thêm khổ .

Nguyễn Khuyến .

Chúc tất cả các văn thi hữu thành công, và sáng tác nhiều áng thơ phú bất hủ!
Bài này đã truy cập trên mạng, có sửa chữa thêm cho sáng tỏ mạch lạc.                                                     
 Bùi Nghiệp
(Mùa Át 2006)

Không có nhận xét nào: