Trang

10 tháng 4, 2013

Thơ Mới Trong Nền Văn Học Việt Nam






HÀ ĐÌNH HUY

Thơ cũ lẫn thơ mới đều có những giá trị nhất định của nó. Vậy thơ Mới là lọai thơ như thế nào? Thơ Mới xuất xứ từ đâu? Cách cấu trúc hình thức và nội dung như thế nào? Thơ Mới ảnh hưởng ra sao đối với nền văn học nước ta trong thời gian vừa qua và kể cả trong tương lai? Thiết tưởng chúng ta nên tìm hiểu một cách khách quan vai trò của thơ Mới hầu rút ra một ý niệm thực tiễn thẩm định vị trí thiết thực nó trong nền văn học nước nhà và trong đời sống của chúng ta.

I. NGUYÊN CĂN CỦA THƠ MỚI:

Có nhiều vị học giả hoặc những giáo sư dạy môn việt văn trong các trường trung và đại học nước ta cho rằng: thơ Mới bắt đầu xuất hiện từ khi cụ Phan Khôi “trình chánh giữa làng thơ” bài thơ Mới đầu tiên “Tình Già” đăng trên báo Phụ Nữ Tân số 122 ngày 10 tháng 3 năm 1932. Và để từ đó lại bùng nổ lên một phong trào chống đối thơ Mới của nhóm thủ cựu.

Thực tế thơ Mới xuất hiện không phải từ cái mốc 1932 , và lại càng không phải bài thơ “ Tình Già “ của Phan Khôi là bài Thơ Mới đầu tiên được trình làng công khai trên các văn đàn.

Sự thật thơ Mới đã du nhập vào nước ta, từ khi chữ quốc ngữ đang trên đà cũng cố đến phát triển do phát nguyên từ lối thơ của người Pháp. Các nhà làm thơ của ta thấy rằng thơ của Pháp trừ mấy lối định thể (pòemes à forme fixes) như sonnet, ballade, rondeaux là đã ấn định sẵn số câu và cách hiệp vần không có hạn định số câu, số chữ không có niêm luật, không theo phép đối và nhiều cách gieo vần, nên cũng muốn đem các thể rộng rãi ấy ứng dụng vào trong thơ ta. Mầm mống lối Thơ Mới đầu tiên, là bản dịch bài thơ ngụ ngôn “Con ve sầu và Con Kiến” của La Fontaine của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đăng ở Đông Dương Tạp Chí số 40 năm 1914. Bản dịch không theo thể cách của các lối thơ cũ đã có lâu đời trong nước ta và lại không có niêm luật hoặc đối như thơ Đường Luật.

Nguyên bản dịch đó như sau:

“Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi;
Nguồn cơn thực bối rối
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con;
Vác miệng chịu khúm núm,
Sang chị kiến hàng xóm,
Xin cùng chị cho vay,
Răm ba hạt qua ngày,
“Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả,
Trước thu, thề Đất Trời!
Xin đủ cả vốn lời.”
Tính kiến ghét vay cậy,
Trăm thói, thói này vì,
“Nắng ráo chú làm gì?”
Kiến hỏi ve như vậy,
Ve rằng : “Luôn đêm ngày,
Tôi hát, thiệt gì bác”
Kiến rằng: “Xưa chú hát?
Nay thử múa coi đây.”
(Nguyễn Văn Vĩnh)

Qua phần trên cho chúng ta khẳng định về lai lịch của lối thơ Mới, và có thể nói rằng bản dịch bài thơ Ngụ Ngôn “ Con ve sầu và con Kiến” của nhà thơ Pháp La Fontaine như là một khởi đầu của phong trào thơ Mới trong nền văn học của nước ta. Và cụ Phan Khôi chỉ là khởi xướng lại vấn đề thơ Mới đã có trước. Kế đó các báo chí, nhất là tờ Phong Hóa Tuần Báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn đứng đầu là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, thường đăng những bài thơ Mới của nhóm tân học như các thi sĩ Thế Lữ, Xuân Diệu,Tế Hanh, Huy Cận, …cổ võ cho phong trào thơ Mới, thì thơ Mới bắt đầu thành lập và thịnh hành.

Tuy thơ Mới đã có trước, và cụ Phan Khôi không phải là người khai sáng thể chế thơ Mới, cụ chỉ xướng lại thể cách thơ qua bài thơ “Tình Già”, nhưng các nhà nghiên cứu văn học vẫn xem bài thơ “Tình Già” của cụ Phan Khôi như là một biểu tượng của sự mở đường cho phong trào thơ Mới ngự trị trong nền văn học sử nước ta.

“Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Đôi cái đầu xanh, kề nhau than thở”
“Ôi! Đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
“Để đến nỗi tình trước phụ sau,
“Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”

(Phan Khôi)

II SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THƠ MỚI VÀ THƠ CŨ:

Thơ giống nhau vì có vần, điệu, số câu, số chữ,… Nhưng thơ vẫn có những điểm khác rất đặc biệt. Thơ cũ đại để là lối thơ Đường Luật có những lệ chặt chẽ về số câu, số chữ cách gieo vần bằng trắc và phép đối, niêm luật thật gò bó, khắc khe, đến nỗi các nho sĩ chuyên làm thơ Đường cũng lắm khi than rằng khó quá vì luật lệ nghiêm khắc có hại cho thi hứng, khiến tình ý khó diễn đạt. Cho nên các nhà thơ muốn phá bỏ các luật lệ nghiêm ngặt ấy để tự do diễn đạt tình ý.

Thơ Mới là một lối thơ không giới hạn số câu, số chữ, niêm, luật hay đối chỉ cần có vần và điệu mà thôi.

Tỉ dụ trong bài thơ Đường Luật Thất ngôn bát cú “Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường.

“Cật Ngựa Thanh gươm vẹn chữ tòng;
Ngàn thu rạng tiết gái Giang đông,
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng,
So phấn thà cam dày gió bụi;
Đá vàng chi để thẹn non sông,
Ai về nhắn với Chu Công Cẩn;
Thà mất lòng anh được bụng chồng.

Số câu bài thơ Đường trên, bắt buộc phải là 8 và số chữ phải 7 chữ. Số câu không thể là 9, 10 hay11,… , và số chữ không thể là 8 hoặc ít hơn khi liên hành trong 8 câu. Ngoài ra còn ràng buộc bởi niêm, luật và đối thật là nhiêu khê. Một điểm đáng lưu ý trong bài thơ Đường cần phải theo cách bố cục nhất định. Câu số 1 phải là câu Phá đề, câu số hai phải là Thừa đề. Câu 3 và 4 là hai câu Thực hoặc Trạng. Câu 5 và 6 phải là Luận và cuối cùng là 2 câu 7 và 8 phải là Kết.

Với lối thơ Mới, thật đơn giản, chỉ cần có vần và điệu người làm thơ sẽ có được một bài thơ , với số câu dài, ngắn bao nhiêu cũng được và số chữ không giới hạn. (Cũng cần chú ý điểm này: Thơ Mới về thể cách phải thật khác thơ cũ. Chứ không thể gọi những bài thơ vẫn được mệnh danh là “thơ Mới”, nhưng không đáng gọi tên ấy, những bài ấy chỉ làm theo lối thơ đã có từ trước nhưng không phải là Đường Luật).

Trong bài thơ “Sương rơi” của Nguyễn Vỹ dưới đây, cho ta thấy sự khác biệt hẳn giữa thơ cũ và thơ mới về số câu cũng như số chữ …

“Sương rơi,
Nặng Trĩu,
Trên cành dương liễu,
Nhưng hơi
Gió bấc,
Thấm vào,
Em ơi
Hạt sương, thành một vết thương.
(Nguyễn Vỹ)

III THỂ CÁCH CỦA THƠ MỚI:

Muốn xét về thể cách của thơ Mới, người ta thường xét đến số câu và số chữ trong bài và trong khổ. Đôi thi nhân cũng phải để ý đến điệu (air)

A. Số câu:

Trong thơ Mới số câu trong bài không nhất định. Có khi đặt các câu liên tiếp nhau từ đầu đến cuối, có khi chia các câu trong bài thành nhiều khổ. Số câu trong khổ cũng không nhất định: hoặc 4 câu hoặc 6 câu, hoặc 8 câu, cũng có khi các khổ trong một bài thơ có số câu khác nhau.

Những bài thơ sau đây tiêu biểu cho số câu nhất định trong một khổ.

1. Lọai 4 câu trong 1 khổ:

“Tiếng ve ran trong bóng cây rậm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời,
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt,
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!”
(Hồn Xuân)/Thế Lữ

2. Lọai 6 câu trong 1 khổ:

“Lòng nao nức như hương trầm mới dậy:
Gió tâm tư say chúi nửa lừng mơ...
Đêm kim sa hay sao mà run rẩy?
Không khí men, trăng liễu mướt đường tơ.
Đây một đóa đồ mi, ta đón lấy,
Ấp hồn hoa... đem giặt giữa bài thơ.”
(Đồ Mi Hoa)/ Bích Khê

3. Lọai 8 câu trong 1 khổ:

“Khi trời biếc bị mây tối phủ che
Ta ôm đàn, lẳng lặng lắng tai nghe,
Trên trời đen nghịt vang long sấm động;
Chớp nhoáng xé mây. Rừng ầm ĩ rống.
Gió điên cuồng gọi sóng sấn lên bờ,
Dưới ánh trăng mờ,
Mặc cho sét nổ.
Người trên cao, ôi mặt trời! Nhạo cơn giông tố.”
(Cùng Mặt Trời)/Huy Thông

B. Số chữ:

Số chữ trong câu của một bài thơ mới không nhất định. Ngắn có thể là hai chữ và dài có thể đến 12 chữ hoặc hơn.

Chữ trong câu của một bài thơ mới tạo nên: câu dài ngắn khác nhau sắp đặt không theo thứ tự, như trong bài “Tiếng Trúc Tuyệt Vời” của Thế Lữ.

“Tiếng địch thổi đâu đây,
Cớ sao nghe réo rắt?
Lơ Lửng cao đưa tận long trời xanh ngắt.
Mây bay…gió quyến, mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt,
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may,”
(Thế Lữ)

Có bài các khổ đều đặt những câu dài ngắn giống nhau như bài “Cùng Mặt Trời“ của Huy Thông ở phần trên. Khổ nào cũng đặt những câu 8+8+8+8+8+4+4+10 chữ.

Nhưng về sau này, khi thơ Mới tương đối thịnh hành, đa số các thi nhân đều viết thơ Mới theo lối câu và số chữ nhất định. Lối câu 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, 10 chữ và khi cả bài dùng một lối câu nhưng xen vào một ít câu ngắn hoặc dài hơn.

Các bài thơ sau đây tiêu biểu cho các lối chữ:

a) Lối 5 chữ.
“Em không nghe mùa thu,
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực,
Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc:
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

(Mùa thu)/Lưu Trọng Lư

b) Lối câu 7 chữ.
Dù đường trần khe khắt hiểm nghèo,
Dù gập ghềnh, dù lắm hùm beo,
Cứ quả quyết đường hòang ta tiến;
Đời thảm đạm, ta càng vinh hiển!
(Sống)/Huy Thông

c) Lối câu 8 chữ.

“ Tiếng ve ran trong bóng cây rậm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời,
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt,
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!”
(Hồn Xuân)/Thế Lữ

d) Lối câu 10 chữ.

“Chiều thu. Sau rặng tre xa, mặt trời khuất bóng,
Aùnh vàng còn rải rác trên cánh đồng xanh rộng,
Đám mây chiều trắng xám đã nổi ở chân trời,
Từ xa lại gió thu làm man mác lòng người.”

(Trên đường về)/Nguyễn Văn Kiện:

Trường hợp cả bài dùng một lối câu nhưng xen một số câu ngắn hoặc dài. Tiêu biểu cho trường hợp này là đọan thơ trong bài “Nhớ Rừng” của Thế Lữ sau đây:

“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan;
Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn.
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tong bừng?
Đâu những buổi chiều lênh láng máu sau rừng,
Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt?
Để chiếm lấy phần tối tăm bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Tuy không chịu ảnh hưởng âm luật , như thơ Đường, nhưng thơ Mới vẫn chịu một số luật lệ về vần và điệu. Thơ Mới phỏng theo cách hiệp vần của thơ Pháp:

1.Vần liên tiếp:

Nghĩa là vần được gieo theo hai vần bằng , rồi đến hai vần trắc và ngược lại. Bài thơ “Trên Đường Về” của Nguyễn Văn Kiện ở phần trên tiêu biểu lối hiệp vần này. Hai chữ bóng và rộng vần trắc (gieo liên tiếp). Hai chữ trời và người vần bằng (gieo liên tiếp)

2. Vần gián cách:

Hiệp vần gián cách: nghĩa là một vần bằng rồi đến một vần trắc và ngược lại.
Bài thơ “Hồn Xuân“ của Thế lữ tiêu biểu cho lối hiệp vần này.
“Tiếng ve ran trong bóng cây rậm mát
Giọng chim khuyên ca ánh sáng mặt trời,
Gió nồng reo trên hồ sen rào rạt,
Mùa xuân còn, hết? Khách đa tình ơi!”
Chữ mát vần trắc, rồi đến chữ trời vần bằng.

3. Vần ôm nhau:

Hiệp vần ôm nhau nghĩa là: hai vần trắc xen vào hai vần bằng hoặc trái lại.

Tỉ dụ bốn câu thơ dưới đây trong khổ 1 bài thơ “Hồn Xưa” của thi sĩ Vũ Đình Liên cho chúng ta khái niệm rõ về vần ôm.

“Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay,
“Như khêu gợi nỗi nhớ nhung thương tiếc”
Những cảnh với những người đã chết,
Tự bao giờ phảng phất đâu đây!”
Chữ tiếc và chết vần trắc bị ôm bởi hai vần bằng là chữ bay và đây

4. Vần hỗn tạp:

Các vần bằng và trắc không theo nhất định nào cả.

Khổ 1, trong bài “Tiếng Trúc Tuyệt Vời” của Thế Lữ, thi sĩ cho chúng ta thấy được lối gieo vần hỗn tạp thật rõ nét.

“Tiếng địch thổi đâu đây,
Cờ sao nghe réo rắt?
Lơ lửng cao đưa tận long trời xanh ngắt.
Mây bay… gió quyến, mây bay…
Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt.
Như hắt hiu cùng hơi gió heo may,
Chữ đây vần bằng, chữ rắt và ngắt vần trắc, rồi đến chữ bay vần bằng, chữ dặt vần trắc và cuối cùng chữ may vần bằng.

C. Điệu Thơ (Air):

Điệu thơ tức là nói đến cách sắp đặt và phân phối các tiếng trong câu thơ sau cho âm thanh và tiết tấu được êm ái dễ nghe và cho hợp với tình ý trong câu. Điệu có lúc khoan, lúc nhặt, lúc mạnh mẽ, lúc du dương, trầm bổng làm cho bài thơ có sự điều hòa . Cho nên các nhà thơ Tây Phương rất chú trọng đến điệu của một bài thơ. Họ rằng điệu là một phần tử cốt yếu của bài thơ hay nói khác hơn đó là điểm lỏi tạo nên giá trị của bài thơ. Và thơ chính vì có điệu mới có sự khác biệt với văn xuôi.

Trong tập hợp để cấu thành điệu thơ, các nhà phân tích âm vị học cho rằng điệu được cấu thành 2 nguyên tố: Âm thanh và tiết tấu.

1. Âm thanh (Voice):

Trong thơ cũ đặc biệt là thơ Đường vì bị ràng buộc bởi luật bằng trắc, nên các nhà thơ khó lựa chọn các tiếng cho âm hưởng câu thơ hợp tình hợp ý để diễn đạt ra.

Thơ Mới vì không ràng buộc bởi những luật lệ ấy nên dễ chọn lựa các âm thanh cho phù hợp với tình ý trong câu thơ, dùng những tiếng có âm thanh nhẹ nhàng để diễn tả những cảnh êm đềm, những tiếng có âm thanh mạnh để diễn tả những tình cảm mãnh liệt.

“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả cây già,
Với tiếng giógào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khí thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng”
(Thế Lữ)
Bài thơ trên đây những tiếng có gạch dưới diễn tả cáo oai lực dũng mãnh của con hổ.

3. Tiết tấu (Rhythm):

Trong thơ mới cũng cần có tiết tấu để bài thơ có nhịp nhàng, người thi sĩ phải biết ngắt câu thành từng đoạn dài ngắn khác nhau để điệu thơ trầm bổng mà không trở nên buồn tẻ.

Lối thơ ngũ ngôn cũ thường ngắt câu theo cách thức: 2-3, 1-4 hoặc 4-1.

Tỉ dụ bài thơ “Khóm Gừng Tỏi” của Ôn Như Hầu .

Lởm chởm/gừng vài khóm

Lơ thơ/tỏi mấy hàng

Vẻ chi/là cảnh mọn

Thế mà/cũng tang thương

Trong những bài thất ngôn bát cú cách ngắt câu khác hơn ngũ ngôn. Trong những bài thơ thất ngôn bát cú cách ngắt không theo một luật nhất định. Tuy nhiên thông thường các nhà thơ thường ngắt câu theo một trong thể thức sau: 4-3, hoặc 2-5.

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan cho chúng ta cách ngắt câu trên.

Bước tới đèo ngang/bóng đã tà;
Cỏ cây chen đá/lá chen hoa.
Lom khom dưới núi/tiều vài chú
Lác đác bên sông/chợ mấy nhà.
Nhớ nước/đau lòng con quốc quốc;
Thương nhà/mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại/trời non nước
Một mảnh tình riêng/ta với ta.

Đối với thơ mới, vì theo tiết tấu của Pháp nên cách ngắt câu trong bài thơ tùy ý dài, ngắn khác nhau, không theo một định lệ nào. Ngoài ra còn dùng lối đem xuống đầu câu dưới một vài chữ để làm trọn nghĩa câu trên (rejet ou en jambement) gây chú ý cho người đọc.

Đoạn thơ sau đây của Thế Lữ chứng minh cho lối ngắt câu không theo định lệ trên.

Bấy lâu nay/xuôi ngược trên đường đời,
Anh thấy chăng?/Tôi chỉ hát, /chỉ cười
Như vui sống mãi/trong vòng sung sướng
Là vì tôi muốn/để cho lòng tôi tưởng
Không bao giờ còn vết thương đau
Không bao giờ/ còn thấy bóng mây sầu
Vương vít mãi./Bạn ơi/nào có được.

IV. SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ MỚI TRONG NỀN VĂN HỌC NƯỚC TA:

Sau cuộc cách mạng năm Tân Hợi (1911) do bác sĩ Tôn Dật Tiên khởi xướng với các tư tưởng dân chủ, dân sinh và dân quyền, nền văn học mới của Tàu đã chiếm lĩnh tòan bình diện văn học của Trung Hoa, và đã không ít truyền sang nước ta những tư tưởng học thuật Âu Tây nhưng vì là gián tiếp nên ảnh hưởng chưarõ rệt cho lắm. Mãi sau khi người Pháp cai trị nước ta, Pháp học một ngày một phát đạt số người Việt học chữ Pháp càng ngày càng tăng nhiều, do đó các bậc thức học có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nền văn học Aâu Tây nên hấp thụ các tư tưởng mới .Và theo cao trào tư tưởng nền thơ Mới du nhập và phát triển mạnh mẽ, chen trong nền văn học cổ của nước ta tạo một vị trí quan trọng trong lãnh vực ảnh hưởng tất yếu trên nhiều phương diện.

1. Về mặt luân lý xã hội:

Thơ Mới đã góp phần đã phá những hủ tục cổ xưa của dân tộc ta, góp phần tạo một luồng tư tưởng mới nói đến chủ nghĩa cá nhân, nhằm đề cao hạnh phúc , quyền lợi của cá nhân, những quan niệm về công dân và sự bình đẳng trên nghĩa vụ và quyền lợi, về phương diện nghề nghiệp các nhà thơ Mới đã chứng minh cho xã hội phong kiến của ta thấy rằng: không một nghề nào trọng hay khinh,như những quan niệm cổ của xưa là “Nhất sĩ, nhì Nông, Tam Công Tứ Thương” mà nghề nào cũng được coi trọng cả, ngọai trừ những nghề nghiệp xã hội cho là kém đạo đức hoặc bị cấm bởi nhà cầm quyền đương thời. Đồng thời với luồng tư tưởng mới qua thơ Mới hết sức tôn trọng danh dự và phẩm giá của con người.

2. Về mặt văn chương:

Phong trào thơ qua thơ Mới đã đóng góp tích cực vào nền quốc văn của nước ta. Trước đây các cụ viết văn bằng chữ Nho, có ý khinh miệt nền quốc văn còn phôi thai của nước nhà, các cụ thường theo lối từ chương và khi sáng tác những tác phẩm phần lớn ảnh hưởng đến người có tước phẩm hoặc dòng tộc vua chúa mà ít nghĩ đến những con người có tâm hồn cao quí hoặc tầng lớp dân giả. Trái lại qua quốc văn và với thơ Mới, các thi sĩ tân học đã thực sự biết quan sát và và mô tả cảnh vật xác thực, biết để ý đến cuộc sinh họat của người bình dân.

3. Về ngôn ngữ và văn tự:

Phong trào thơ Mới thịnh hành đã góp phần làm phong phú chữ quốc ngữ của nước ta, các văn thi sĩ sáng tác biết trọng sự bình giãn, sáng sủa gãy gọn theo lối cú pháp Tây học, vì thế vai trò của thơ Mới xem như là yếu tố đưa nền quốc âm Việt Nam đến thịnh hành.

V. KẾT LUẬN:

Thơ Mới được cấu trúc theo thi phú của Tây Phương, nên mang nhiều âm hưởng mới lạ. Nhất là thơ Mới du nhập vào nước ta trong thời kỳ chữ quốc ngữ đang trên đường phát triển. Cho nên có thể nói: phong trào thơ Mới là một chìa khóa văn học đưa chữ quốc ngữ đến thịnh hành trong nền văn học nước ta.

Tưởng cũng nên nhắc lại, thơ Mới được xem như là một bộ phận trong nền văn học nước ta,và hơn nữa đã góp phần không nhỏ vào làm phong phú cho văn chương nước nhà như hiện nay, phong trào thơ Mới cũng trải qua thời gian bút chiến gay go giữa thơ cũ và thơ mới. Các nhà thơ cũ đứng đầu là nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho rằng: “Thơ Mới nghĩa lý vơ vơ rồi vẩn vẩn. Thanh âm ngẩn ngẩn lại ngơ ngơ so với Á học như dưa đắng, sánh với Âu văn tựa mít sơ”. Các nhà thơ Mới đại diện là nhóm Tự lực Văn Đàn với tờ báo Phong Hóa cho rằng các nhà thơ cũ ưa dùng những từ ngữ, hình ảnh cũ kỹ sáo mòn, hễ mùa xuân thì trăm hoa đua nở, mùa hè thì tiếng cuốc kêu, tiếng ve… mùa thu thì sương sa gió thổi, lá ngô đồng rụng, mùa đông thì tuyết phủ, mặc dù Việt Nam chẳng bao giờ có tuyết.

Sau cùng thơ Mới vẫn thắng thế và đứng vững trong nền văn học. Có điều đáng nói là từ ngày thơ Mới du nhập vào nước ta đến nay gần một thế kỷ, thơ Mới ngày ấy nay trở thành thơ cũ. Một thời đại trong thi ca đã khép lại, nhưng chúng ta phải công nhận thơ Mới là một thực thể văn chương không thiếu góp phần làm phong phú nền văn học nước ta.

HÀ ĐÌNH HUY

Sách tham khảo:
Hà Xuân Tế (Unpòete annamite moderne) indochine 1941
Hoài Thanh và Hoài Chân (Thi Nhân Việt Nam) 1932- 1941
Dương Quảng Hàm (Việt Nam Văn Học Yếu Lược)
Huyền Viễm (Kiến Thức Ngày Nay)
Nhất Linh (Thế Nào Là Thơ Mới)

Không có nhận xét nào: