Trang

1 tháng 4, 2013

Sáng tác thơ Đường luật (Thất ngôn tứ tuyệt)




(do Hoàng Thứ Lang biên soạn, truy cập trên mạng có chỉnh định cô đọng lại)
PHẦN I :
Thơ tứ tuyệt đã có từ lâu, trước khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú. Đầu tiên, thơ tứ tuyệt có nghĩa khác với nghĩa hiện tại: “tứ” là bốn và “tuyệt” có nghĩa là tuyệt diệu. Bài thơ chỉ có 4 câu mà diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tác giả muốn trình bày nên người ta mới gọi 4 câu thơ đó là tứ tuyệt.
Tuy nhiên, sau khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú (luật thi) vào đời nhà Đường, thì thơ tứ tuyệt lại phải được làm theo quy tắc về niêm, vần, luật, đối của lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. Vì vậy, sau nầy người ta giải thích chữ “tuyệt” là ngắt hay dứt. Nghĩa là thơ tứ tuyệt là do người ta làm theo cách ngắt lấy 4 câu trong bài bát cú để làm ra bài tứ tuyệt. Do đó niêm, vần, luật, đối của bài tứ tuyệt phải tùy theo cách ngắt từ bài bát cú mà thành.
Thơ tứ tuyệt có 2 thể là luật trắc vần bằng và luật bằng vần bằng.
Mỗi thể đều có một Bảng Luật coi như "công thức" căn bản mà người làm thơ phải tuân theo.

1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG (không đối)
  
BẢNG CHÍNH LUẬT:
T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

Thí dụ để minh họa:
Một nửa vầng trăng rụng xuống cầu
Đôi mình cách trở bởi vì đâu
Canh tàn khắc lụn hồn tê tái
Đối bóng đèn khuya nuốt lệ sầu
Hoàng Thứ Lang

2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG (không đối)
BẢNG CHÍNH LUẬT:
B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)

Thí dụ để minh họa:
Đôi mình cách biển lại ngăn sông
Dõi mắt tìm nhau nhỏ lệ hồng
Ngắm ánh trăng thề thương kỷ niệm
Đêm trường thổn thức nhớ mênh mông
Hoàng Thứ Lang

Sau đây là Luật về Điệu thơ:
Điệu thơ là cách xếp đặt các tiếng trong câu thơ sao cho êm tai dễ đọc để bài thơ có âm hưởng du dương trầm bổng như nhạc điệu.

Điệu thơ gồm có 3 phần chính như sau:
1. Nhịp điệu: thơ ĐL nhịp chẵn, ngắt nhịp 2 hoặc 4 tiếng trọn nghĩa. 2. Âm điệu: nên làm theo chính luật để bài thơ có âm điệu êm tai trầm bổng. 3. Vần điệu: nên gieo vần ở cuối các câu 1-2-4-6-8 xen kẻ tiếng không có dấu và tiếng có dấu huyền để bài thơ khi đọc lên nghe du dương trầm bổng như điệu nhạc. Ngoài ra chúng ta nên cố gắng gieo vần chính vận. Sau nầy khi "nhuyễn" rồi chúng ta có thể theo thông vận và theo luật bất luận. Muốn cho bài thơ có âm điệu hay thì tiếng thứ 4 và tiếng thứ 7 của những câu luật trắc vần bằng không nên dùng trùng một thanh bằng. Nghĩa là nếu tiếng thứ 4 không dấu thì tiếng thứ 7 phải dấu huyền và ngược lại. Tuy nhiên nếu không tìm được từ nào khác có ý nghĩa hay hơn thì chúng ta dùng trùng cũng được mà vẫn không bị sai luật thơ.

PHẦN II :
THƠ TỨ TUYỆT VẦN BẰNG - 2 VẦN
Thơ Tứ Tuyệt Vần Bằng 2 vần cũng có hai thể:
- Luật Trắc Vần Bằng.
- Luật Bằng Vần Bằng.
Đầu tiên, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần.

1. THƠ TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG - 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI)
BẢNG CHÍNH LUẬT:
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

CHÚ Ý QUAN TRỌNG
Trước khi đi vào chi tiết của bài Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng - 2 vần, chúng ta thử cùng nhau ngắt bài thơ Thất Ngôn Bát Cú ra thành nhiều bài Tứ Tuyệt để "nghiên cứu" và phân tích.
Bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có thể ngắt thành 4 bài thơ Tứ Tuyệt theo 4 cách như sau:
- Bài 1: 4 câu đầu (1-4).
- Bài 2: 4 câu cuối (5-8 ).
- Bài 3: 4 câu giữa (3-6).
- Bài 4: 2 câu đầu (1-2) và 2 câu cuối (7-8 ).

Thí dụ: bài thơ sau đây:
THĂNG LONG THÀNH HOÀI CỔ
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Bà Huyện Thanh Quan

Ngắt ra:
1. (4 CÂU ĐẦU)
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

2. (4 CÂU CUỐI)
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

3. (4 CÂU GIỮA) (CÂU 3 ĐẾN CÂU 6)
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương

4. 2 CÂU ĐẦU VÀ 2 CÂU CUỐI)
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thắm thoát mấy tinh sương
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường

Nhận xét:
Bài 1: Tứ Tuyệt 3 vần bằng.
Bài 2: Tứ Tuyệt 2 vần bằng.
Bài 3: Tứ Tuyệt 2 vần bằng.
Bài 4: Tứ Tuyệt 3 vần bằng.
Như vậy bài thơ Tứ Tuyệt có loại 3 vần và có loại 2 vần.
Phân tích kỹ hơn, chúng ta nhận thấy một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật là do hai bài thơ Tứ Tuyệt ghép lại mà thành, 4 câu đầu là Tứ Tuyệt 3 vần, 4 câu sau là Tứ Tuyệt 2 vần. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là 4 câu giữa (3-4-5-6) đối nhau từng cặp một (câu 3-4 đối nhau, câu 5-6 đối nhau) theo phép đối thơ loại 7 chữ (còn gọi là đối ngẫu).
Nếu chỉ làm thơ Tứ Tuyệt thường thì chúng ta không cần làm có đối. Nếu làm thơ Thất Ngôn Bát Cú thì bắt buộc phải có đối như đã nói trên.

Dừng lại ở thơ Tứ Tuyệt, chúng ta có thể làm nhiều bài thơ Tứ Tuyệt cùng diễn tả chung một ý (một nội dung) gọi là Tứ Tuyệt Trường Thiên, dài bao nhiêu cũng được, nhưng nên ngắt ra từng đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Muốn làm loại 3 vần cũng được (như bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.Kh.). Muốn làm loại 2 vần cũng được (như bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Kiên Giang Hà Huy Hà). Muốn làm lẫn lộn (mixed) vừa 3 vần vừa 2 vần cũng được.
Bây giờ trở lại ý chính của bài Tứ Tuyệt 2 vần bằng. Vì chưa làm thơ Thất Ngôn Bát Cú nên chúng ta chỉ làm thơ Tứ Tuyệt không có đối (tương tự như loại 3 vần mà chúng ta đã làm ở bài 1).
Vậy chúng ta cùng nhau bắt đầu làm bài thực hành

1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG - 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI)

BẢNG CHÍNH LUẬT:
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

Thí dụ để minh họa:
Xác pháo còn vương màu mực tím
Thư tình vẫn thắm chữ yêu thương
Nhưng ai lại nỡ quên thề ước
Nước mắt nào vơi nỗi đoạn trường
Hoàng Thứ Lang

2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG - 2 VẦN (KHÔNG ĐỐI)
BẢNG CHÍNH LUẬT:
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)

Thí dụ để minh họa:
Hè về đỏ thắm màu hoa phượng
Ánh mắt buồn tênh buổi bãi trường
Gạt lệ chia tay người mỗi ngã
Âm thầm cố nén giọt sầu thương
Hoàng Thứ Lang

PHẦN III:
CÂU ĐỐI TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT
Trong bài nầy chúng ta chỉ cùng bàn về câu đối 7 chữ mà thôi. Vì câu đối 7 chữ được ứng dụng trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật mà chúng ta sẽ cùng nghiên cứu phân tích sau nầy.
Về luật bằng trắc thì mỗi chữ tương ứng vị trí của câu trước và câu sau, nếu chữ của câu trên bằng thì chữ của câu dưới phải trắc và ngược lại. Thí dụ:

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Ngoài luật Bằng Trắc ra, một câu đối còn phải Chỉnh và Cân nữa.

Chỉnh và Cân là phải tương xứng với nhau. Danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ, tính từ phải đối với tính từ. Riêng tính từ cũng có nhiều loại, chữ gợi hình phải đối với chữ gợi hình, màu sắc đối với màu sắc thí dụ "vàng" phải đối với "trắng", "ớt đỏ" phải đối với "cà xanh" ... chữ tượng thanh phải đối với chữ tượng thanh, thí dụ "mưa rơi tí tách" phải đối với "gió thổi rì rào" ... Trạng từ như "băn khoăn" phải đối với trạng từ "thổn thức" ... Chữ nặng phải đối nặng, chữ nhẹ phải đối nhẹ cho cân xứng. Mùi vị đối với mùi vị. Số lượng đối với số lượng. Mùa tiết đối với mùa tiết, phương hướng đối với phương hướng, thành ngữ đối với thành ngữ, chuyên ngữ đối với chuyên ngữ ...
Đừng quên vừa đối từ loại vừa đối bằng trắc.

Và nhất là 2 câu phải đối ý nghĩa với nhau. Ðối ý có nghĩa là chọi nhau, là cân (xứng) nhau.
Thí dụ uống đối với ăn, mướp đối với bầu, giết đối với tha, Hạ đối với Thu, thấp đối với cao, ngắn đối với dài, biển đối với trời, núi đối với sông, cố quận đối với tha hương, đất lạ đối với trời xa, biển rộng đối với sông dài, xóm cũ đối làng xưa, uất hận đối với đau thương, má phấn đối với môi hồng , thiếu nữ đối với thanh niên, liệt nữ đối với anh hùng, phú đối với thơ, tiếng đối với lời, chữ đối với câu, nhạc đối với thơ v.v...
Ngày xưa người ta cưới vợ gã chồng lựa nơi môn đăng hộ đối tức là hai bên gia thế phải tương xứng với nhau. Chúng ta có thể hiểu "đối" theo khái niệm này.

PHÉP ÐỐI:
Gồm có:
- Đối luật (bằng trắc).
- Đối ý.
- Đối từ loại.
- Danh từ riêng đối với danh từ riêng, danh từ chung đối với danh từ chung.
- Tên người đối với tên người, tên nước tên địa phương đối với tên nước tên địa phương.
- Từ kép đối từ kép, từ đơn đối từ đơn.
- Hán-Việt đối Hán-Việt, Nôm đối Nôm (Nôm là tiếng thuần Việt).
- vân vân ...

Thí dụ:
Quê người đón Tết không nghe pháo
Đất khách chào Xuân chẳng thấy mai

Chúng ta cùng nhau phân tích 2 câu trên:
Câu trên: <--------------> Câu dưới:
Quê (bằng, noun) <-----> Đất (trắc, noun)
Người (bằng, noun) <-----> Khách (trắc, noun)
Đón (trắc, verb) <-----> Chào (bằng, verb)
Tết (trắc, noun) <-----> Xuân (bằng, noun)
Không (bằng, adv) <-----> Chẳng (trắc, adv)
Nghe (bằng, verb) <-----> Thấy (trắc, verb)
Pháo (trắc, noun) <-----> Mai (bằng, noun)

Câu đối 7 chữ thì vế trên chữ thứ 7 (chữ cuối) luôn luôn là thanh TRẮC, vế dưới chữ thứ 7 luôn luôn là thanh BẰNG.
Câu đối 7 chữ cũng có 2 bảng luật: luật trắc và luật bằng, như sau:


1. BẢNG LUẬT TRẮC:

T - T - B - B - B - T- T
B - B - T - T - T - B - B

Thí dụ:
Phượng vĩ tươi hồng khi nắng Hạ
Ngô đồng héo úa lúc mưa Thu

2. BẢNG LUẬT BẰNG:

B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B

Thí dụ:
Sau nhà chậu cúc vừa đơm nụ
Trước ngõ cành mai mới trổ hoa

Chú ý: Phần câu đối nầy để ứng dụng cho Thơ Thất Ngôn Bát Cú Đường Luật cho nên chữ cuối cùng của vế trên phải luôn luôn là thanh trắc.

Hoàng Thứ Lang
PHẦN IV:
 TỨ TUYỆT VẦN BẰNG CÓ ĐỐI
1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG (CÓ ĐỐI)
Chúng ta bắt đầu với Tứ Tuyệt Luật Trắc Vần Bằng có đối:

A. BẢNG LUẬT 1 (3 vần):
T - T - B - B - T - T - B (vần)
B - B - T - T - T - B - B (vần)
B - B - T - T - B - B - T (đối câu 4)
T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối câu 3)

Thí dụ:
Kẻ cuối người đầu một bến Tương
Cùng nhau thức trọn suốt đêm trường
Duyên thơ ý hợp lòng lưu luyến
Nghĩa bút tâm đồng dạ vấn vương
Hoàng Thứ Lang


B. BẢNG LUẬT 2 (2 vần):
T - T - B - B - B - T - T (đối với câu dưới)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối với câu trên)
B - B - T - T - B - B - T
T - T - B - B - T - T - B (vần)

Thí dụ:
Nguyệt lão không se đường chỉ thắm
Tơ ông chẳng buộc mối dây hường
Trăng thề đã vỡ làm hai mảnh
Biển thảm non sầu mãi nhớ thương

Hoàng Thứ Lang

2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG (CÓ ĐỐI)
A. BẢNG LUẬT 1 (3 VẦN):

B - B - T - T - T - B - B (vần)
T - T - B - B - T - T - B (vần)
T - T - B - B - B - T - T (đối câu 4)
B - B - T - T - T - B - B (vần) (đối câu 3)

Thí dụ:

Chia tay buổi ấy nát can trường
Gió lạnh ga chiều trắng xóa sương
Lảnh lót còi tàu tan bóng nguyệt
Âm u cột khói quyện hàng dương

Hoàng Thứ Lang


B. BẢNG LUẬT 2 (2 VẦN):
B - B - T - T - B - B - T (đối với câu dưới)
T - T - B - B - T - T - B (vần) (đối với câu trên)
T - T - B - B - B - T - T
B - B - T - T - T - B - B (vần)

Thí dụ:
Nhìn theo mắt tủi tuôn dòng nhớ
Ngoảnh lại mi sầu ứa giọt thương
Vẫy vẫy tay chào che ngấn lệ
Vì đâu mỗi đứa một con đường
Hoàng Thứ Lang

Không có nhận xét nào: