Trang

5 tháng 10, 2012

Anh LÊ CHIÊU KHẤP




 Hồi chuông điện báo thức rền vang, cắt ngưng hàng trăm giấc mơ kỳ thú, ai cũng tần ngần chưa muốn rời khỏi chiếc chăn con rồng quấn quýt, còn sớm chán đày ải chi mà thúc đậy giờ này? Chợt ! Từng hồi còi "cảnh sát" rúc lên, liên tục từng chập ngoài hành lang dẫy phòng ngủ, xuống cầu thang và chạy dài  ra sân cát, thôi rồi giờ hành hình đã điểm, khẩn trương lên hỡi các chú nhóc, tạm biệt chăn màn dấu yêu, và tranh nhau lao vội xuống cầu thang tầng trệt.
Những vì sao trên trời còn lung linh lấp lánh, đèn đường vàng vọt hắt hiu và lác đác vài cô hàng rong sớm quẩy gánh, thỉnh thoảng một ông xe lôi thùng lướt qua lặng lẽ, dường như họ có nhìn vào sân tân chủng viện, ái ngại thương thay cho hơn hai trăm mảnh đời bé bỏng, mình trần chân đất, đang cố lặp lại những động tác phù thủy cuả một “hung thần”, huấn luyện viên giờ thể dục sáng, chính là ngài huynh trưởng LÊ CHIÊU KHẤP, cuả thời điểm 1964.
Anh ơi!
Cơn gió heo may đã về trên bình nguyên sông Cửu, tấn công từng đợt châu thân trần trụi chúng em, gai ốc nổi lên như tấm bánh đa vừng, không được khóc! Hít thở! Hít hít thở thở! Một hai! Một hai ba bốn! Anh ra “chiêu” nào tụi em “khớp” chiêu đó, bốn mươi năm qua rồi, giờ đọc lại Tôn Tử và chợ nhớ tới anh, mới thấy cái tài dụng binh không đợi tuổi, chỉ cần tiếng còi thay cho gươm lịnh.
Anh ơi!
Chắc phải là người cự phách đặc biệt lắm, nên 4 anh mới dược bề trên triệu vời, về đây "trừng trị" tuị em, cái còi – cây thước nhôm – mười ngón tay võ sĩ, ngần ấy thứ đủ làm cho chúng em vỡ mật, những tay siêu quậy hai miền Đông Tây Nam Bộ, dần dần đi vào thứ tự  lớp lang, lạ thay chúng em ăn ngon hơn, ngủ tỉnh hơn, và cũng ít lên phòng cha giám đốc bác sĩ để xin tân dược, chiếc păng-ta-lông trắng muốt thậm thượt đầu năm, chưa kịp ngả màu cháo lòng, mà cuối năm đã cộc lưng ống quyển.
Anh ơi!
Xáng thổi đã đưa cát từ lòng sông đổ đầy sân chủng viện, thời đại chiến, những tù binh bị bọn Nhật Nhĩ Man đày khổ sai, lao dịch làm tuyến đường cầu sông Kwai Miến Điện, còn nơi đây, đệ tử của Gioan Tiền Hô xung phong san lấp, kiến đùn lâu lên mà, chẳng  mấy bữa chiếc sân mênh mông đã phẳng lì như sa mạc, dường như công đầu thuộc đội Phaolô Bột cuả anh.
Anh ơi!
Từ cái sân ấy đã biến thành một thế vận hội, những buổi chiều hội thao náo nhiệt, ba lông – vũ cầu – túc cầu - điền kinh…., đủ môn tranh tài đua sức, chưa đủ đất để tung hoành dụng võ, còn kéo nhau sang bãi cỏ hoang, nay là ngôi nhà thờ chính toà sừng sững, đám cỏ cao không người lai vãng, răm rắp ngả rạp phục tùng, bày côn trùng bay tứ tán kinh hoàng, lũ rắn chuột ẩn sâu dưới hang nín thở, tất cả kinh hoàng dưới gót trường chinh của ba đạo quân tinh nhuệ.
Anh ơi !
           Khỏe để học tập, khỏe để phụng sự, tiêu chỉ này sau bốn mươi năm đă gặt thu kết quả, ứng nghiệm vào phần số mỗi người. Không khỏe sao được, khi chú Kiệt đôi chân như con thoi thoăn thoắt hai vùng Hà-Lạng, chiếc mũ tím chênh vênh đỉnh đầu, mà nắng gió ải quan đâu làm choáng váng. Không khỏe sao được, khi chú Thống đôi tay như sóc ban phát thiên lực khắp đất Sài thành, thượng vàng hạ cám mgười đông như kiến cỏ. Không khỏe sao được, khi hai mươi chú nội ngoại mỗi người hùng cứ một phương, ngày ngày oai vệ “cai trị” giáo đồ. Không khỏe sao được, khi hơn trăm chú còn lại, tăng gia sản xuất hậu duệ, cả một rừng nho sầm uất, quả thơm rất nhiều mà trái thối lại ít, quá nửa đời người mà chú nào cũng cứ như vâm.
Anh ơi!
Tri mỗ số – thức mô văn, mỗi bài toán vỡ lòng do anh giảng dậy, đã mở cửa lòng cho chúng em đi vào không gian bác học, XYZ giờ đây không còn là ẩn số, các LM bạn đếm sổ rửa tội hàng ngày tăng lên theo cấp số cộng, còn chúng em biết đếm số tiền hàng tháng gởi về nội tướng, có người còn lập được phương trình ảo, giải trình chi phí đánh lạc hướng sư tử Hà Đông, bù đắp lại bao lần tiêu pha quá hớp, cừ thật!
Anh ơi!
Chỉ nói chúng em mà chả nghĩ về anh, bao năm vật đổi sao dời, anh đã vững vàng đi lên bàn thánh, mười ngón thiết sa chưởng giờ đây uyển chuyển dâng bánh rượu mỗi ngày, hãy cầu nguyện cho chúng em, những trò nhỏ vừa khai vừa phá, bốn mươi năm vèo qua chóng vánh, goc bể chân trời lưu lạc tứ phương, ước chi một ngày nào đó, được gặp anh uống ly rượu trùng phùng, một ông già ôm trăm ông già bật khóc, mong lắm thay và ước lắm thay!

Tháng 3-2004
Bùi Nghiệp
(KP nhớ ơn thầy)

Không có nhận xét nào: