Trang

5 tháng 10, 2012

Bố Phao lô VŨ SỬU



    Lớp  mình có đưa ra một thông tin, hô hào năm nay chủ đề viết  về các ân sư ngày trước, thật là một ý-tưởng tuyệt vời. Các bạn có nhớ không? Bài hát Tiếng ve gọi hè 1965 của nhạc sĩ Mỹ Sơn viết cho lớp mình, gần 40 năm qua mà tôi còn nhớ, trong đoạn phiên khúc có câu: “…nhưng hè về lòng huống nhớ thương, nhớ đến bao vị ân sư tận tình…” Bài hát đang rộn rã vui tươi bỗng dưng chùng xuống, âm thanh và ngôn ngữ được Thầy Sinh sắp xếp như hoà quyện làm một vào nhau, tôi mượn câu hát này để nhớ về một ân sư, Ngài là Linh Mục Linh hướng mà tính tình Ngài hệt như một từ mẫu “ Bố Phao Lô Vũ Sửu. “
  
    Sách xưa có chữ:” Nhất tự vi sư bán tự vi sư “ Lại nữa trong Tam tự kinh phần cuối cũng có câu: “ Nhân di tử, kim mãn doanh, ngã giáo tử, duy nhất kinh “, đủ biết cái lớn lao công ơn Thầy dậy dỗ, đủ biết cái kính trọng thầy của người xưa quan yếu là dường nào. Bây giờ lớp mình, hàng tu sĩ có mấy người đã là giám mục, phẩm trật cao hơn Thầy gấp bội, hàng ngoài đời có nhiều người thành đạt cái thế kinh bang, chắc hẳn không ai quên được bố, ân sư cao quý trổi vượt hơn trong hai nhân đức: đơn sơ và khó nghèo.
    Ngày đầu Têrêsa, tôi và anh Lịch (cồ) được Bố đạo diễn một vở nhạc kịch, hát bằng tiếng Pháp hẳn hoi, nội dung: Lịch trong vai vua cha ghét đạo, còn tôi vai công chúa được rửa tội âm thầm, Lịch phát hiện ra tội bất hiếu cưỡng lệnh, phẫn nộ giết chết tôi, tôi được lên thiên đàng và Lịch bị quỷ sứ lôi xuống hoả ngục ( Vai quỷ sứ ở đây là Anh Trung Lương và Công Nghị ). Chả biết tôi diễn xuất ra sao mà về sau lớp mình cứ gọi là công chúa, còn A. Lịch thấy tôi là ồm ồm quát tháo” Cờ phe tờ vu ma fi ơ? “ Kỷ niệm ấu thơ đã làm củng cố đức tin của tôi trong những năm tháng chao đảo, dường như đã hoá thạch trong người.
    Năm ở Châu đốc, không ai không thích thú, sau bữa cơm chiều trước giờ kinh tối, được nghe bố thuyết minh dịch thuật tranh Tin Tin, tất cả im lặng, chỉ còn nghe âm thanh chuyển động nho nhỏ của phim và giọng dịch lưu loát của bố. Trong bóng tối của phòng chiếu, là những bàn ping pong tạm dẹp, hàng trăm khuôn mặt con trai chúng mình, miệng há rộng ra hồi hộp say mê… Vẫn biết bố công bằng nhưng dường như tôi cảm thấy bố thương tôi nhiều hơn các bạn, từ bé tôi thích làm thơ, lạ thay cái ma thuật chữ nghĩa ấy, tôi lại không đến với cha Giuse Đường việt văn, mà lại thích khoe cùng bố, bài nào hay bố thưởng cho một tấm ảnh đạo. Cứ như vậy trong khoảng 1 năm, bộ sưu tập ảnh của tôi đã dầy lên đáng kể, giờ nhớ lại những vần thơ thiếu niên ấy, tôi thấy nó ngô nghê và thèn thẹn làm sao.
    Cuối năm đó tôi rời Chủng viện vì hay ốm và học dở, bố buồn lắm! còn tôi khóc chỉ có anh Hiến (chùa) an ủi lau mắt cho tôi, Bố viết một lá thư dài gởi gắm cho tôi tu tiếp, với cha bề trên dòng Don Bosco Thủ đức, nhưng tôi lại ơ hờ vì không muốn đi tu nữa.
               Có một chuyện tôi thấy khốn nạn và hổ thẹn vô cùng, không một ai hay biết. Ngày ấy tôi đi lính, một lần về phép qua phà Vàm Cống, trong đám chen chúc đông đảo ấy, tôi thấy bố áo chùng thâm ngả bạc sờn rách hai khuỷu tay, thay vì chạy lại vấn an, tôi lảng tránh lẩn trốn ra xa, cái tự ti ngu xuẩn của tôi đúng ra chỉ có với bạn bè, sao lại hành động với ân sư. Phà rời bến tôi xa xa quan sát bố, giờ này đã tách ra khỏi dòng người, đứng cô đơn cuối cầu phà, ánh mắt xa xăm ngước nhìn trời cao sông rộng, tay lần tràng hạt, môi mấp máy cầu kinh, bố cầu cho nhân loại, cho Việt Nam thôi chém giết nhau, cho mọi người an bình trong đó có tôi. Phà cập bến tôi vội vã rời xa như tên phản phúc, nhớ lại cái hành động xuẩn ngốc đó, tôi luôn bị dằn vặt. Xin Chúa, bố và mọi người tha tội cho tôi.
    Chúa đã tha tội bội nghĩa của tôi, người quan phòng sắp xếp cho tôi có ngày gặp bố, ngày ấy đã đến rất ngẫu nhiên và rất tình cờ. Cám ơn bạn Trần Luyến và Viết Minh cung cấp cho tôi thông tin quý báu. Giờ này bố là Linh mục phụ tá xứ Thị Đam, ấp Mương kinh, xã Phú bình, Phú tân, An giang. Tôi rà soát những công trình điện khí hoá, Lạy Chúa! ấp Mương kinh có phần trong đó, bố ơi! nhất định con phải đến.
    Trên chiếc DH 88 cọc cạch tôi đến ấp Mương kinh khảo sát mặt bằng, tay Trưởng ấp còn rất trẻ gốc Phật giáo Hoà hảo quá đỗi mừng, tôi nhờ vả hắn nhiều chuyện để ”Đồng chí tôi sớm hoàn thành công tác”,  xem ra hắn hãnh diện lắm, hỏi dò về bố hắn hết lời khen ngợi, “Ong Cố Nhì” như một ông Thần sống, hắn càng hãnh diện với Bà con khi biết ông “xếp Điện” là học trò của Cố Nhì, thôi thì nhậu nhẹt chỉ là chuyện xoàng đối với dân miền Tây hào phóng.
    Trưa hôm sau chuẩn bị kỹ càng, tôi lấy đầu làm lỡi vào nhà xứ. Tuổi 70 Bố vẫn như xưa, tuổi cao và bệnh già không làm Bố chùn bước, Bố chuẩn bị xây dựng Nhà Chúa như một chứng tích giữa lòng những người không cùng tôn giáo. Ai cũng nói về bố: “Ông Cố Nhì” ngon hơn “Ông Cố Nhất”, Ông thương người, gương mẫu, hiền lành, hoà đồng, đạo đức ( đạo theo họ nghĩ là đạo làm người ). Chả vậy mà mới đây trong báo CGDT, có một Tác giả viết về Bố và Ong Năm mù. Ong Năm mù là cư sĩ tại gia đạo Phật giáo Hoà Hảo, trong hoạt động đời thường mang đầy nét chấm phá tinh thần Đức KiTô, bố mình là linh mục Công giáo khiêm tốn giản đơn, trong sinh hoạt xã hội lại đủ Bát chánh đạo Phật pháp. Chả biết nói gì hơn ngoài hai chữ diệu kỳ, vì Ông Năm mù ví như hoá thân của Tô bia cha, còn LM Sửu lại chuyển hoá thành Đức Phật Thầy Tây An, hệ Bửu sơn Kỳ hương vậy.
    Trong thời gian công cán, bố bắt tôi phải vào nhà xứ ở, cho nó yên tĩnh để “xếp” điều hành hiệu quả, và thầy trò dễ hàn huyên, cũng từ hôm đó tôi phải mở Toàn niên Kinh Nguyện học lại Kinh Lạy Nữ Vương thiên đàng để đáp thưa cùng bố, khi những trưa Nhà Thờ dóng lên hồi chuông Ngọ. Hai tuần trong nhà xứ, tôi chứa chan hạnh phúc, lại được cô giúp việc nhà xứ săn sóc chu đáo, những đặc sản vùng sông nước Cửu Long, khi thì chuột xào lá cách, rắn bầm, ếch um…Các bạn Khai phá của tôi đâu được hạnh phúc đó.
    Ngày Chúa nhật hôm đó bố hứa làm lễ sớm, sẽ cùng tôi đi thăm các Khai phá gần gũi. Tôi mượn chiếc Citi 100 chở bố cho oai, đường liên tỉnh lộ hẹp và ngoằn ngoèo, nhiều chỗ ổ gà xuống cấp, kim đồng hồ lên quá 60 mà bố chê không tốc độ. Bố ơi Bố cừ lắm đấy! Con chẳng giám nữa đâu!
    Đến thăm Bùi đức Hiền cầu Ong Quít, xứ Lộ Đức Nhà Thờ gác chuông mới toanh, Uy nghi bên bờ kinh hai bên nhà giáo dân san sát, Cha Hiền tiếc vì bận không thể tháp tùng, bố con lại một ngựa ruổi dong qua Vàm Cống. May quá Mai hùng Dũng có nhà, hôm nay Vàm Cống vui vẻ, Thần tài vé số xông nhà giáo dân và được tạ ơn một bữa cơm thịnh soạn, dĩ nhiên cha Dũng mời luôn bố và tôi cùng chia sẻ, họ rất phấn khởi khi biết bạn chở Thầy của cha sở đến thăm, cái nhất cử lưỡng tiện đó càng thêm phần rôm rả.
    Ngày chia tay bố lên đường, Bố tặng con một cuốn Tân ước với lời đề rất đỗi dấu yêu “ Kỷ niệm 33 năm Thầy trò ta xa cách “. Người đời cho con một rương vàng, Ta dậy con duy chỉ một Kinh, Kinh tình yêu của Thượng Đế, phú thác cho bố dậy con. Trước lúc chia tay bố nhắc đi nhắc lại “ …Cu Xì tin này, công ty con có nhiều người bên đạo, ngày Chúa nhật không đến được nhà thờ, con cố gắng xếp giờ tiện lợi, tập hợp nhau đơn giản đọc một đoạn Tin mừng, ba câu Kính Chúa, Đức Mẹ đồng công, hát một bài cảm tạ, đã đủ cho những tín hữu cùng con vất vả chốn chợ đời, công việc của con đấy! nhớ nha con!” Hơn 30 năm rồi tôi lại được khóc, nước mắt mềm của trang nam tử.
    Cuộc hành trình của bố về đất hứa đầy dẫy gian nan, bố đi con đường hẹp nhất, bố bơi nơi những con rạch vô danh, mỗi ngày của bố là một hy lễ, đầu bố đội mũ đầy gai ô rô móc mèo vuốt hổ. Bố tươi cười đến với “Dân ngoại” hệt như Phao Lô quan thầy của bố. Đúng vậy! Vùng Phú Tân là đất khai sinh Phật Giáo Hoà Hảo, địa danh Vàm Nao, Hiệp xương, Phú bình, Hoà lạc ngày ngày Bố vẫn hoà nhập. Tin mừng cứu độ như gió mát dịu đi cái ngột ngạt thế thời. Xin bố luôn là quạt tre, thân thương mà mát rợi.
    Con mượn hai câu thơ trong sấm giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ để kính dâng bố và tặng lại các cư sĩ địa phương nhé:
                                                “ Ta bà khổ, Ta bà lắm khổ
                                                  Tịnh độ vui, tịnh độ nhàn vui “
    Để giữa lòng dân tộc bố luôn khuyên người đời tu niệm .

Ngày mùng 3 Tết năm Nhâm ngọ (2002) nhớ Thầy.
Bùi Nghiệp.

Không có nhận xét nào: