Trang

5 tháng 10, 2012

CHA GIÁO THỊNH



Buổi sáng hôm ấy, nắng sớm đã rực rỡ hòa cùng bước chân tấp nập của những chàng trai tiến về nhà thờ Ngọc Thạch. Một ngàn khuôn mặt trẻ hân hoan vai đeo nhạc khí, về đây trẩy hội đọ sức đua tài, thao dợt âm thanh chuẩn bị mừng lễ Ngân Khánh tại Tòa Giám mục Long Xuyên.

            Chúng tôi hàng ngũ tề chỉnh đứng kín sân nhà thờ, xếp thành cơ đội thứ tự hàng lớp. Trước tiên là dàn Caisee-claire cùng grosse-caisse đeo lệch bên hông ngời ánh bạc, và dàn chũm chọe charleston lấp loáng màu đồng, ngay sau dàn clairon chuyên trị khúc dạo đầu thuần cung đô trưởng. Tiếp đó là đội ngũ bè soprano lanh lảnh chủ lực với hai loại trompette và clarinette, rồi đến đội ngũ saxophone loại alto, tenor và baryton duyên dáng, cổ cong cong như dàn thiên nga lông  trắng, lại nữa dàn trombone có ống thụt dài ngoằng, những cỗ contre basse nặng nề bòng bong rối rắm, mà miệng loa lại tựa đại đoá hướng dương, sau cùng lừng lững vươn lên hàng hélicon thánh giá nến cao hùng vĩ.

            Nhạc sĩ Văn Chi đứng trên bục nhạc  trưởng, tay trái cầm đũa, tay phải vươn dài mời gọi : “...Hai... một!”. Lượng âm thanh xé toạc không gian rền vang dậy sóng, bầy chim trên gác chuông, hoảng loạn tứ tán, cửa kiếng giáo đường rung động. Bài chào mừng hướng về Vatican được hòa âm. Bốn bè dị giọng, tiếng trống nhà binh roulement lăn dài theo nhịp. Bản hòa tấu kết thúc sau mười phút, không gian trở lại im lặng, nghe rõ nhịp thở của các nhạc công.

            Ô kìa ! Dưới sân có một trung niên, khuôn mặt khắc khổ với cái đầu húi cua quân đội, đặc biệt đôi thuần phong nhĩ hôm ấy như rộng thêm ra, đôi tai làm nhiệm vụ thu âm chắt lọc âm thanh để rồi... tu chỉnh cho hoàn hảo. Vâng! chính là linh hồn của cuộc thao dợt. Thầy chúng ta đó ! Linh mục Jacobe NGUYỄN ĐỨC THỊNH của thời điểm năm 1979.

            Kính thưa Cha Jacobe rất quý mến !

            Năm 1964, chúng con còn là những chú bé bước chân vào chủng viện Thérèse. Ngày ấy, Ngài còn là thầy bốn chức trẻ trung, dáng cao gầy, với mái tóc quân kỷ rất ấn tượng, giống như cha tử đạo Trương Bửu Diệp. Thân hình ngài đong đưa theo tiếng đàn accordéon treo trước ngực, đôi tay phù thủy lướt trên phím, cả một sóng hòa âm vang lên, rì rào như sóng vỗ, vút cao như rừng chim đua hót. Hoặc với cây violon bất hủ dưới cằm, các ngón tay phải nắn phím nhảy nhót như vành khyên, tay trái lại uyển chuyển cầm vĩ cầm múa khúc nghê thường, giai điệu mượt mà và âm sắc huyền diệu, mùi nhựa thông thơm nồng bay ra ngan ngát... Ôi người nhà tu nghệ sĩ. Phải chăng các âm thanh quyến rũ đó cho đến ngày hôm nay vẫn còn cuốn hút lớp chúng con, làm tiền đề tạo nên nhiều ca trưởng tầm cỡ và nhiều tâm hồn âm nhạc say sưa sáng tác.


            Chưa hết đâu, những màn đoản kịch và các vũ điệu đồng nam do ngài dàn dựng, đã để lại ấn tượng đầu đời sâu sắc, vẫn còn in đậm đến nay dẫu bao năm tháng nhạt nhòa. Hẳn ai cũng nhớ: đầu năm 1965, Đức Khâm Mạng Tòa Thánh về thăm địa phận và Chủng viện Thérèse, đám chủng sinh chúng con được tập họp ra mắt bề trên. Sau bài phát biểu của Cha Giám đốc Joseph Đỗ Xuân An là tới màn văn nghệ ngọt ngào bằng các bài hợp ca bằng tiếng Đức và tiếng Ý là màn trình diễn vũ khúc Hè về do ngài tập dợt với các vũ công Duy Thống, Quốc Tuấn, Năng Thể, Văn Hùng, Thanh Long, Văn Nam... Tất cả đều mặc đồng phục trắng, thắt lưng, xà cạp cuốn băng đỏ, tay cầm súng bắn pháo, cỡi trên lưng ngựa tưởng tượng nhảy nhót, hệt như những cowboy miền Viễn Tây nước Mỹ. Chắc hẳn hôm đó Đức Khâm Mạng rất vui và thư giãn.


            Những tháng ngày đầu ở Chủng viện là vậy đó. Phương châm giáo dục của Ngài đầy ắp tính văn nghệ và tâm lý. Những vở kịch ngắn đều kết thúc có hậu, phân biệt thiện ác rạch ròi, những vũ khúc ẩn tàng sự hướng thượng cao đẹp. Phong cách của Ngài mang tính dứt khoát, không do dự và đầy nam tính, chẳng uỷ mị, yếu đuối, nhu nhược, mà chịu đựng can đảm vươn lên. Một bài công dân giáo dục kinh điển làm sao thắm đượm và sánh được với khúc văn nghệ ấn tượng tích lũy. Chúng con được vui chơi để quên đi nỗi nhớ nhà, học tập và trưởng thành theo chân lý đức tin trong đạo, đồng thời biết hành xử đúng luân lý rất Việt Nam của cha  ông. Ôi ! hạnh phúc thay cho các trẻ nhỏ !


            Lịch sử nước ta có một nhà sư phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Đời Trần, khi giặc Nguyên Mông xâm chiếm, ông cởi   áo cà sa lao thân vào chiến địa, ăn thịt và uống rượu cùng binh sĩ, nguyện da ngựa bọc thây, lấy gươm đao bảo vệ quê nhà, giáo dục binh sĩ rất đời thường và huynh đệ chi binh. Quê hương trở lại thanh bình, ông tắm rửa tẩy trần bên sông Bạch Đằng,  khoác lại cà sa lên Yên Tử sơn quyết lòng tu đạo – Thầy Jac của chúng con cũng ở trong tuýp người đó.

            Trở lại thời điểm năm 1979 năm xưa, trên chiếc tắc ráng nhỏ với máy Kohler bốn ngựa tàng tàng, đi hết các xứ đạo trong hai hạt Thốt Nốt và Tân Hiệp, để vận động và quy tụ một dàn hợp tấu kèn đồng. Đến nỗi Đức Joan Baotisia Bùi Tuần phải ngạc nhiên thốt lên khen ngợi. Hội kèn này có số lượng đứng nhì thế giới chỉ sau Thụy Sĩ với 1.300 nhạc công. Riêng Đức Micae Nguyễn Khắc Ngữ thì gửi thư động viên chúc lành cho “Phường hội mới”

            Ngài thật vất vả. Có những xứ đạo với cha sở bảo thủ, có những nhạc trưởng như ếch ngồi đáy giếng hạch sách vu vơ, có những đố kỵ giữa hai giáo xứ, Ngài mang thông điệp hồng và âm thanh hòa giải  đến từng nơi đó, với bộ cánh quần nước xáo áo nước dưa, hoặc bộ chùng thâm sờn bạc, chân thấp chân cao mà lòng cứ phơi phới với trách vụ nặng nề.

            Tiếc rằng nhà nước trong thời kỳ quá độ, cửa lòng chưa được mở ra,  nên buổi trình diễn mừng Ngân Khánh của Toà Giám mục Long Xuyên không được thực hiện... Sau dịp này, Ngài về một họ đạo nhỏ của đất Kinh Bảy – Rạch Giá, hoàn toàn thanh thản, giáo dục thanh niên thiếu nữ cùng bằng văn nghệ ! Ôi thật tuyệt vời.

            Hơn hai mươi năm không gặp được Thầy ! Cơm áo gạo tiền, quan san cách trở, thật vô cùng bất nghĩa. Con viết bài này chẳng mong đến với thầy để khoe chút riêng, mà thổ lộ với anh em Khai Phá rằng, Thầy mình thật tuyệt vời, giờ đây có lẽ Thầy sắp bước vào tuổi thất thập cổ lai hy, mong Ngài luôn an khang múa lượn trên phím tơ huyền diệu. Ngài mãi là David nhảy múa trước hòm bia Thiên Chúa, ngài là lão Lai Tử trong Nhị Thập Tứ hiếu với : “Thấp cao điệu múa nhởn nhơ, sặc sỡ màu áo bạc phơ mái đầu”...

Vọng Giáng sinh 2002
             BÙI NGHIỆP

Không có nhận xét nào: