Trang

1 tháng 8, 2013

THƠ ĐƯỜNG... KÍNH





MINH VƯƠNG: LÊ THÁNH TÔNG
Hồng Đức Thánh Tông tuyệt thế trần
Sơn hà thịnh đạt bởi minh quân
Trong ngoài trật tự hòa tâm tướng
Trên dưới công bằng hợp ý dân
Nông nghiệp phú cường làng ấm cúng
Công thương phát triển chợ quây quần
Văn chương khoa bảng cao tầm cỡ
Ngưỡng mộ Lê triều đệ nhất nhân
Bongtaduong


DŨNG VƯƠNG: LÊ THÁI TỔ
Mười năm nếm mật với nằm gai
Kháng chiến Lam Sơn đuổi giặc ngoài
Nhị Động quân Thông thây chất ngất
Chi Lăng binh Liễu xác phơi dài
Gươm thần tạo dựng dòng vua khởi
Áo vải làm nên nghiệp đế khai
Đại cáo Bình Ngô an xã tắc
Triều Lê phát xuất bời anh tài
Bongtaduong


THỨC VƯƠNG: MẠC ĐĂNG DUNG
Tiền thân ngư phủ múa tung hoành
Lập nên triều Mạc lộng oai thanh
Đao thánh Định Nam Lê cáo tử (*)
Ngựa thần dọa Bắc Mạc khai sanh
Nghèo mang chí lớn cao vinh hiển
Phú lại khiêm nhường chán lợi danh
Minh Đức truyền ngôi lui hậu điện
Thức thời đại cuộc tự nhiên thành
Bongtaduong


(*)Thanh long đao của Mạc Thái Tổ (còn được gọi là Định nam đao) được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ ở Việt Nam khẳng định là binh khí duy nhất của một danh tướng cũng như một vị vua dưới thời phong kiến Việt Nam vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Năm 2010, thanh long đao này đã được con cháu họ Phạm gốc MạcNam Định đưa về lưu thờ và trưng bày ở Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng (nơi là trung tâm của Dương Kinh thời Mạc ở thế kỷ 16). Trải qua hơn 500 năm tuổi và 90 năm bị ăn mòn do chôn giấu dưới lòng đất nhưng cơ bản thanh long đao vẫn giữ được hình dạng và kích thước không khác mấy lúc ban đầu dù bị sứt mẻ và gỉ sét ở nhiều chỗ.
Năm 1986, nhà sử học Lê Xuân Quang (người Nam Trực, Nam Định), hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong quá trình tìm hiểu về hậu duệ vương triều Mạc trên đất Hà Nam Ninh cũng là nhà nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam tìm hiểu chi tiết về thanh long đao. Ông đã xin phép con cháu họ Phạm gốc Mạc được trực tiếp cân đong, đo đếm một cách tỉ mẩn thanh long đao và ghi lại trong bản báo cáo như sau: “Thanh long đao của Mạc Thái Tổ dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, lưỡi đao dài 0,95m, cán đao bằng sắt rỗng dài 1,60m. Một hình đầu rồng bằng đồng thau che kín phần cuối lưỡi đao tiếp vào cán đao thay thế cho khâu đao (trông như thể đầu rồng đang há miệng nuốt lấy lưỡi đao), chỗ hình đầu rồng có "cá" chốt chặt lưỡi đao vào cán đao”. Nhiều chuyên gia về binh khí cổ ở Việt Nam cho rằng thanh long đao (Định nam đao của Mạc Thái Tổ) lúc ban đầu khi chưa bị gỉ sét có thể cân nặng không dưới 30 kg. Thanh đại đao này cũng được xem là một trong hai thanh long đao của một vị quân vương ở châu Á còn tồn tại đến nay và được lưu thờ là vật thái bảo. Thanh long đao còn lại là của Tống Thái Tổ (Triệu Khuông Dẫn), vua sáng lập ra nhà Bắc Tống. Cũng có nhiều đánh giá khẳng định thanh Định nam đao của Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung) nặng hơn hai thanh long đao của Triệu Khuông Dẫn và của Ngô Tam Quế (hiện được trưng bày tại bảo tàng tỉnh Vân Nam ở thành phố Côn Minh của Trung Quốc) đồng thời cân nặng không kém mấy so với thanh long đao yển nguyệt của Quan Vũ thời Tam Quốc (theo tác giả La Quán Trung trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa thì long đao yển nguyệt của Quan Vũ cân nặng 82 cân thời Hán tức là khoảng 37 kg thời nay).

Không có nhận xét nào: