Trang

9 tháng 9, 2012

BẠN HỮU

Sử nước Tàu ngày xưa có hai ông Quản Trọng và Bão Thúc Nha, ấu thời chơi với nhau thân lắm, tuổi tráng niên gặp thời binh lửa, hai hoàng tử tranh bá đồ vương, Trọng cùng Nha bèn ngóeo tay nhau thề mỗi người hết lòng phò tá một chúa, chúa của ai thắng thì sẽ đề bạt nhau, công tử Tiểu Bạch thắng công tử Củ, lên ngôi làm vua nước Tề. Bão Thúc Nha nhớ lời giao ước, tâu lên Tề Hòan Công tiến cử Quản Trọng, vua Tề có ý không dụng, quên sao được mũi tên Quản Trọng  súyt xơi mất thủ cấp năm xưa, nhưng vị nể Bão Thúc Nha năm lần bảy lượt thuyết phục, mới triệu vời Quản Trọng, về sau tể tướng Quản Trọng với tài kinh bang tế thế đã giúp vua Tề lập nên nghiệp bá hùng mạnh , uy trấn các nước chư hầu…

Đệ ưng nhất là Bão Thúc Nha, một nghĩa khí bằng hữu cao thượng quên mình, chơi với nhau thì khiêm nhường nhận phần thua thiệt, ra trận giữa lằn đạn mũi tên lại hăng hái đi đầu, lấy thân mình chở che cho bạn, mã đáo thành công rồi lại hết lòng tiến cử bạn lên tột đỉnh triều đình, thậm chí chẳng hờn ghen trước di ngôn của bạn, làm cho Quản Trọng phải thốt lên :
-“Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu được ta chỉ có Bão tử”.

Tích xưa có hai chàng Lưu Bình và Dương Lễ, cùng đèn sách chờ ngày khoa cử, Dương lễ con nhà giầu có, mê chơi phóng túng chểnh mảng học hành, Lưu Bình thân phận nghèo túng quyết tâm dùi mài kinh sử, tất nhiên đến ngày thi, chỉ có Lưu Bình bảng vàng chói lọi, võng lọng vinh hiển làm quan, còn Dương Lễ trượt xôi hỏng bỏng không,  cùng đường phải đến dinh Lưu Bình nhờ vả, nghĩ tình bạn hữu xưa chắc chẳng tệ, ngờ đâu thói đời đen bạc, Lưu Bình bố thí cho bạn bát cơm với một qủa cà muối mặn, còn xỉ nhục dể duôi miệt thị, ra về mà nước mắt đầm đìa phẫn hận, may sao trong lúc quẫn cùng, giữa đường gặp của Giời cho, môt người con gái tên Châu Long, thẽ thọt tự nguyện theo về khuyên nên nuôi chí sách đèn, chờ ngày ứng thí, đêm đêm bên song nàng quay tơ dệt vải, chàng chong đèn kinh sử chuyên chăm , chờ thời cá chép vượt vũ môn… Ngày đã đến, qủa nhiên Dương Lễ xướng tên đầu bảng, được bổ nhậm làm quan to, về mái tranh xưa thì …lạ chửa, Châu Long đã dạt phương nào! Chợt nhớ người bạn “tán tận” ngày xưa, Dương Lễ tiền hô hậu ủng thẳng đến dinh Lưu Bình rửa hận, phen này sẽ cho anh “đểu”  biết thế nào là lễ độ…Lưu Bình ra vẻ ngây thơ , xun xoe gọi vợ ra chào tân quan nhớn. Rèm vừa hé, nàng Châu Long hiện ra như một phép màu! Ối Giời ơi! Ngã bổ chẩng cả ra đấy!...

Đệ phục sát đất cái anh Lưu Bình, dụng mưu xỉ nhục người bạn trót dại rong chơi, rồi âm thầm đưa nguyên một cô thiếp yêu dấu đến hầu, lam làm nuôi nấng khuyên lơn, ba năm  đằng đẵng chứ có ít chi, anh bạn Dương Lễ chắc trước đây đã tu mười kiếp. Đọan kết thật đẹp và có hậu, vô cùng hậu nữa là khác.

Chuyện trên là sử có thật, chuyện dưới thì chẳng rõ chân giả, tuy cả hai đều rất xửa rất xưa, nhưng bài học rút ra thật vô cùng trân qúy, sách Mạnh Tử viết: “Trách thiện bằng hữu chi đạo giả (trách khuyên bạn để làm điều thiện, đó là đạo người vậy). Bạn xưa là vậy, còn bạn ngày nay ra sao, để đến nỗi những người đi trước phải thốt lên: “Người xưa mặt thú dạ người, người nay mặt người dạ thú”.

Tào Tháo tay đại gian hùng thời Tam Quốc, một lần quân Đổng Trác truy lùng bán sống bán chết, trời tối trên đường bôn tẩu, vào nhà Lã Bá Xa vốn là người quen cũ, Lã Bá Xa thực lòng đón bạn, thân hành đi mua rượu và dặn dò gia nhân ở nhà mổ lợn đãi khách. Tháo lòng dạ bất an bị ám , nghe tiếng mài dao cùng lời nói lao xao của đám gia nhân nhà dưới, nào là trói nó lại - lấy dao - chọc tiết, Tháo hồn phi phách tán  tưởng bắt mình, dùng gươm giết cả nhà rồi phóng lên ngựa tẩu thóat, giữa đường gặp Lã Bá Xa hớn hở ôm vò rượu đi về, Tháo biết là mình lầm bèn nghĩ bụng, nếu Xa về nhà mà thấy cảnh tượng đó tất không ổn , nhất định tung tích sẽ bại lộ, bèn lén vung kiếm đàng sau giết nốt bạn hòng bảo tòan hành tung. Than ôi! Lã Bá Xa lòng dạ thẳng ngay, tòan gia phải chết thảm, gớm thay cho Tào A Man ác độc, đã biết nhầm lẫn còn đang tay cố tình giết bạn.

Trong các pho sách của Tàu, nói đến tình bằng hữu nhiều nhất, chắc không quyển nào đề cập nhiều bằng Thủy Hử, 108 tội phạm triều đình, từ quan nhớn bé đến lục lâm thảo khấu, đều tiết lên một khí phách trượng nghĩa, đề cao tình bằng hữu kết bôi, bức tranh lớn minh họa đầy vàng và máu, chết chóc và ách nạn, tham vọng và bất công, lại phủ lên lớp son dầy tình bạn.

Chuyện Tàu là thế, còn chuyện ta thì sao? Đệ xin thưa rằng: cũng phong phú ly kỳ đâu kém.
Sách ấu học có kể chuyện rằng:
Hai người bạn cùng đi trên một con đường, vừa đi vừa chuyện vãn thật tâm đắc, bỗng bên bìa rừng một con gấu phóng vụt ra lao thẳng đến, cả hai hỏang hốt bỏ chạy, một người nhanh chân leo lên được cành cây um tùm ẩn nấp, người còn lại sợ hãi ngã sấp bèn nhắm mắt giả chết, gấu đuổi kịp đến thấy người ấy nằm im bất động, bèn ngửi ngửi rồi bỏ đi. Khi gấu đã khuất trong rừng, người trên cây leo xuống thắc mắc hỏi bạn: “Gấu nói gì với anh vậy!”, người dưới đất trả lời: “Gấu nói với tôi, ai bỏ rơi bạn trong lúc khốn cùng, kẻ ấy thật không tốt!”.

Bỗng dưng, ai gặp trường hợp đột nhiên này mà không chết khiếp, câu trả lời trách móc hờn giận cũng không thuyết phục. Rõ ràng là phịa, nhưng nhìn về góc độ nghĩa bóng, lại là phịa bài bản mang tính giáo dục, dậy cho thiếu nhi lòng dũng cảm, chia sẻ gian nan với nhau trong lúc khốn cùng.

Thời tranh bá đồ vương giữa Nguyễn Tây Sơn và Gia Long Nguyễn Ánh có hai ông Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm ( Ngô Thì Nhậm), cùng quê Hà Đông và là bạn học với nhau từ ngày để chỏm. Đặng Trần Thường thi đỗ sinh đồ thời Hậu Lê, ra làm quan theo trướng Gia Long, Ngô Thời Nhiệm thi đỗ tiến sĩ theo phò Tây Sơn, nhà Tây Sơn đến hồi suy vì, Gia Long tiến quân ra Bắc Hà tiêu diệt, Đặng Trần Thường lúc trước để bụng ghét ghen, vì cho rằng Nhiệm khinh mình kém tài, bèn lệnh bắt rồi ra câu đối như sau:
- “Ai công hầu, ai khanh tướng, đường trần ai ai dễ hơn ai”.
Nhiệm ngẫm nghĩ đáp lại:
“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế”.
 Thường điên tiết sai lính trói và đánh Nhiệm bằng roi tẩm thuốc độc ngay trước cửa Quốc Tử Gíám. Nhiệm uất ức và thấm độc nên phải tử vong. Thương thay Ngô Thời Nhiệm, một quan văn đất Hà Đông, một chí sĩ tên tuổi, gặp bước cùng mạt lộ phải chết đớn đau dưới tay bạn đồng hương và đồng liêu cũ.

Buồn quá! Kết thúc chẳng có hậu, nhưng ai ơi lại là sự thật, Đặng Trần Thường cũng là một nho sinh cửa Khổng sân Trình, lẽ nào chẳng đọc Bão Thúc Nha tiến Quản Trọng trọng Đông Châu Liệt Quốc, lẽ nào không biết “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo…”, để cuối đời phải chết rũ tù dưới triều Minh Mạng, rõ nhơ thay mà cũng đáng thương thay!

Thời Pháp đô hộ nước ta, cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, mang cùng họ Phan nhưng không cùng huyết thống, đồng chí hướng nhưng khác chủ trương hành động. Cụ này lập phong trào Đông Du, cụ kia kêu gọi Tây Du, cả hai quyết lòng kỳ vọng cho thanh niên nước nhà học hỏi tinh túy hai cõi tòan cầu, để hậu duệ dùng tri thức cống hiến dân tộc, thóat nô lệ ngọai bang. Qúa trình họat động nay vào tù ra khám, mai đất khách quê người, thế mà  luôn khuyến khích chia sẻ lẫn nhau, nhớ nhau đến nỗi: “Tương tư lọ phải là trai gái, một ngọn đèn xanh trống điểm thùng!...”. Khi cụ Phan Chu Trinh thác, cũng là lúc cụ Phan Bội Châu được thả ra tù, câu đối viếng của Mai Đăng Đệ đã nói lên sự thương tiếc là ngần nào:
- “Nhất Phan tử khứ, nhất Phan sinh hòan, ta tai tổ quốc!
-  Thiên cổ văn chương, thiên cổ tâm sự, thủy vi tiên sinh.
 (Một Phan chết đi, một Phan sống lại, than ôi tổ quốc! – Ngàn xưa văn chương, ngàn xưa tâm sự, ai là tiên sinh).
Đấy nhá! Tấm gương bằng hữu hai cụ đã cẩn thận lau chùi một đời dành cho hậu  thế, đẹp tuyệt!

Một nhà văn Tây nói rằng:
- “Có một lọai hoa hồng không có gai, đó là tình bằng hữu”.
 Tam tự kinh đề cập đến đạo bằng hữu trong thập nghĩa ( Quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu). Thiên tự văn cũng nhắc :”Giao hữu đầu phân – Thiết ma châm quy” (kết giao tin tưởng – bàn luận khuyên lơn). Sách Minh Tâm Bảo Giám còn dành nguyên cả một thiên thứ 19 nói vế bằng hữu, bao năm trôi qua luôn là khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế. Trên đời này ai là người không có bạn, đi buôn có bạn, đi bán có phường…

Thói đời đa phần khi hàn vi bạn bè thường có nhau, nhưng khi phú qúy lại hay quên lãng, cho nên ông Tống Hòang nhủ rằng:
- “Bần tiện chi giao bất khả vong”
(bạn bè khi nghèo nàn không nên vội quên ).
Tiền tài danh vọng không bao giờ mua được bạn chân thành, có chăng chỉ nước đục thả câu, có chăng chỉ  a dua xu nịnh “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi”, vĩnh viễn không bao giờ có tri kỷ.

Đừng như Tào Tháo, đừng theo Đặng Trần Thường, hãy giống Bão Thúc Nha, hãy noi gương hai cụ Phan nước nhà mà tiến bước.

Bùi Nghiệp

Không có nhận xét nào: