(Nhớ thi sĩ Nguyễn Hoàng Quang – Hải Quỳ)
Mảnh
hồn lữ thứ là tên tập thơ của Hoàng Quang (Hải quỳ), năm năm trước anh đã nhã ý
tặng tôi với lời đề thân ái, nay anh nằm đây hiu quạnh, buồn sao là buồn!...
Tâm
sự đời anh gói ghém hầu như cả trong tập thơ này, tôi nghiệm ra cuộc đời này quá
đỗi phù vân, hơn sáu mươi năm thân phận làm người, anh nhận đủ mùi cam khổ,
nhọc nhằn kiếp sống nổi trôi, một trí thức con nhà nòi sinh nhầm thế kỷ, hoài
bão đem chữ trí chữ tri tặng cho thế hệ mai sau qua nghề thầy giáo, nắn nót
chuốt trau từng con chữ, ong gom mật - tằm nhả tơ, bao tinh hoa gởi gắm cho
đời, mà cuộc đời bạc bẽo hơn vôi, đẩy xô anh tới tận cùng đáy vực.
Ngàn
câu thơ anh trao cho bằng hữu, tôi đã đã đọc vội vàng nghiến ngấu, vậy mà cũng
quên ăn mất ngủ, anh tự cung khai lý lịch qua những vần thơ như là trang nhật
ký…Sinh ra tại Hải Dương đất Bắc, 1954 gia đình di cư bồng bế vào Nam, giáo xứ
Tân Chí Linh, đất Tân Sơn Hòa Gia Định là nơi đầu đặt bàn chân di trú, người
cha cựu quận trưởng bao bọc vợ hiền cùng 14 con thơ dại (3 nụ hoa Chúa đã hái
về) , lại bỏ sang giầu gởi trọn linh hồn cùng niềm tin vào đạo Công Giáo, phú
thác cậy trông cuộc đời vào bàn tay Đức Chúa chí tôn, mong sao cuộc sống yên
hàn bình dị cho hết kiếp hồng trần, anh là một trong hai trai dĩnh ngộ gởi gắm vào chủng viện Long
Xuyên, hiến tặng dưng không hoa đầu mùa cho đấng tạo thành, bởi tố chất thông
minh sẵn trong bụng mẹ, anh được ân sư thăng vượt lên một lớp, điều này ít xảy
ra nhưng mà oai lắm đấy, tuổi thơ anh trọn vẹn trong khuôn mẫu nhà tràng, ăn
chơi ngủ cùng bao trẻ đồng lứa đồng môn đồng mộng, tất nhiên anh hưởng một nền
giáo dục lý tưởng nhất nước, chính vốn liếng này là hành trang suốt đời trổ nở
trong anh bao điều kỳ diệu.
Chiến
tranh lan tràn trên khắp miền Nam, trong tuổi động viên anh phải vào lính, lính
tráng gì chả am tường chi vũ khí , mà chỉ biết làm thơ, 1975 cởi bỏ chiến y về
làm dân dã, phấn trắng bảng đen gọi vời anh làm thầy giáo, miệt mài nghiên bút
trả nợ ba sinh, tô bồi lớp trẻ hồn nhiên cho thế hệ ngày mai, anh lập gia thất và
bốn trẻ lần lượt sinh ra, cơm áo gạo tiền thôi thúc, cái nghề đạp xích lô bất
đắc dĩ phải đến, ngày ngày cho con bát cơm, cho vợ áo thơm dư trong anh cuộc
đời cam khổ, răng nghiến chặt lại đi lên, gập ghềnh trèo lên hay lao đầu xuống
vực anh cam chịu một thân có chăng người vợ đồng hành, bát cơm hẩm mua bởi ngày
tháng nhọc nhằn, đánh đổi lấy mảnh bằng đại học cho các con, một nghị lực phi
thường.
Rời Tân Chí Linh đất hẹp
người đông, gia đình dắt dìu về khu Tân Thới Sơn khoáng đạt, dân hiền đất lành
cùng nhau xây dựng cuộc sống bình yên, chính nơi định cư mới này có một gia
đình công giáo nhiệt tình, hòa cùng nếp sống nhân sinh, tiếng chuông giáo đường
sớm chiều như mời gọi đàn chiên về trại.
Rượu
và thơ là 2 tri kỷ đời anh, dùng men cay làm thuốc giục đẻ con chữ, gật gù cùng
thơ phải cần có rượu, hai tri kỷ ấy đồng hành đã mấy thập niên, chúng sóng đôi khiêu
vũ trong anh không biết bao mùa, lâu lắm rồi nhé, rượu thật ngoan và thơ thật
hiền, anh dậy dỗ chúng khéo thật.
Tuổi già xồng xộc, chúng vây
hãm công phá xác thân anh, quá tuổi 50, cơn tai biến não phủ tràn lốc xoáy, mở
màn đầu cho những tai ương, dù bán thân bất toại vẫn cứ nhả thơ, khối tơ trong
ruột cứ tuôn ào ạt, vội vàng như sợ có ai dành giật, cả năm châm cứu và vật lý
trị liệu, rồi bất chợt anh vùng đứng, dũng cảm nương cùng khúc gậy tung hoành,
hả hê ly thù chén tạc, đất trời nghiêng ngả mặc cho thành sầu đổ sụp…Rồi 2 cơn
tai biến nghiệt ngã nữa đổ vào, phá nốt bức tường kiên cố, sức chiến đấu kiệt
quệ lực bất tòng tâm, chín năm ròng cố thủ, người chiến sĩ sắp gục ngã sa
trường vẫn ngạo nghễ da ngựa bọc thây…
Một năm sau cùng, khối U ác tính đánh đòn quyết định,
sáu lần hóa trị cho râu tóc anh trở thành sa mạc, rượu đã bẽ bàng chia biệt mà
thơ vẫn canh cánh thủy chung… Khước từ toàn bộ lương thực nhân gian, chỉ còn
tiếp nhận chút nước hoi hóp cầm hơi, mắt đóng đinh vào cái computer, bàn tay
run rẩy vẫn chắt chiu sàng lọc từng con chữ, đôi lần năm ngón sờ nắn phím
organ, âm thanh gợi bài lâm hành chia biệt, nào có đưa anh từ giấc ngủ vô thường về bến ngàn thu
Nhớ anh mà lòng tôi trĩu xuống…
* Hoàng Quang - người con hiếu đễ:
Anh hãnh diện biết bao khi nói về cha mình:
Nói sao hết bằng lời,
Một thời trên đất Bắc.
Ngài quận trưởng trẻ nhất,
Công danh
phụ công danh.
Về Sài Gòn
đô thành,
Ông giáo
Bình thuở ấy,
Chiếc xe Mobylett đẩy.
Ẩn nhẫn vậy nuôi con…
Và rồi:
Thương ba quá ba ơi!
Kể
làm sao cho hết,
Con làm sao
đúc kết,
Chân- dung- một- con- người.
(Còn trong cát bụi)
Người cha già rồi cũng ra đi, linh
hồn cụ G.B Nguyễn Hoàng Bình về chốn vĩnh cửu, thơ anh lại dồn hết vào tình mẫu
tử quắt quay lẻ bóng:
Con đã thấy rồi,
Vầng trán nhăn của mẹ!
Đã đọng về…
Từ bao đêm thao thức khôn nguôi!
Đời mẹ ngược xuôi, đếm thời gian…
Mười bốn đứa con mang nặng trong đời,
Ba đứa bỏ(!)
Mười
một người khôn lớn…
Và rồi như Lai Tử trong nhị thập tứ hiếu, lăn vào lòng
mẹ để tỉ tê:
Con thưa gì hơn với mẹ bi chừ?
Niềm tư lự đã khởi từ cuộc sống!
Khi yêu thương thành lòng sông lắng
đọng,
Thì phù sa nào chẳng màu mỡ tô bồi.
Chúng con lớn khôn rồi,
Dẫu cách trở xa xôi – cũng khát mong
đoàn tụ,
Thèm về với mẹ già
Như ngày xưa thèm bú!...
(Vầng trán nhăn của mẹ)
Để ngóng trông chờ ngày sinh nhật mẹ thọ tám mươi:
Nắng cũng không còn để ngả màu vàng,
Trang giấy cuối bìa đã xếp chuyện tào
khang!
Cha vế thiên thu mười hai năm trước,
Mẹ mỏi mòn nhặt cô đơn từng bước
Xoa gối chiếc, thầm đếm đươc tám mươi…
(Đoàn con
mừng thọ mẹ)
* Hoàng
Quang – người anh thay cha mẹ dìu dắt em thơ:
Đưa Ngọc Báu vào nhà bảo
sanh, anh làm thơ cổ vũ em gái vượt cạn, và vỡ òa vui sướng khi cháu bé chào
đời:
... Qua đau
dớn nào vui chẳng đến rưng rưng!
Đổi một nụ
cười, đã từng bao tiếng khóc!
Nuôi con
dầu khó nhọc,
Mà nghe yêu
thương dạ đứt ruột mềm,
En nghĩ gì?
Lần làm mẹ đầu tiên!...
(Chợt nghe
tâm tình lạ)
Rồi
với em gái Kim Nhung, người anh nhỉnh hơn 10 tuổi, khi em sinh ra, anh đã phải
phụ mẹ cha ẵm dìu em những bước nhỏ đầu đời, và theo dòng thời gian, em đã làm
mẹ 4 cháu dễ thương kháu khỉnh:
... Anh
chúc em người con gái nhu mì,
Sống hạnh
phúc cả những khi vất vả.
Anh chúc em
mái gia đình khá giả,
Dẫu tảo tần
luôn hòa nhã chồng con,
Anh chúc em
đường đạo đức sắt son,
Trong ơn
Chúa – hóa đời em thắm mãi...
(Ngày ấy)
* Hoàng
Quang – dấu chân người từ phụ:
Được
làm cha bốn người con, anh nghiêm khắc giáo dục mong con nên người hữu dụng,
anh tưới cho con nguồn nước nguyên tuyền bằng giáo huấn, mong con thành nhân,
khổ ải nuốt ngược vào tim. Nhánh tóc cũng có sợi dòn, cháu Bảo Lộc vướng vào
vòng nghiệt ngã, căn bệnh xã hội đưa cháu đoạn tuyệt loài người, dòng nước mắt
đàn ông trào tuôn hơn suối, thương con mà căm hận số phận, nhìn hình hài con mà
thê lương đớn đau xé nát tim gan.
...Con thật
đấy à Bảo Lộc ơi!
Thằng Lộc
hôm qua đâu mất rồi?
Ai lóc thịt
da con tôi đó,
Chỉ còn trơ
trụi cốt xương thôi.
Con lết vào
đi...nằm xuống đây,
Đứa con
khốn khổ quá suy gầy!
Hai bảy năm
trường nuôi khôn lớn,
Gom củi ba
năm cháy một giây!...
Ngôn ngữ thảm thiết, tuyệt vọng hoàn toàn khi nhìn
ngắm con yêu, ân hận tỏ bày cùng di ảnh cha khi để con ra nông nỗi...câu thơ
lục bát như lời ai vãn:
Con không
còn đủ sức ngồi,
Làm sao
đứng được ngậm ngùi bước chân.
Chia ly với
bụi hồng trần,
Én buồn gẫy
cánh hồn xuân đâu về.
Bố ơi hồn
những tái tê,
Con xin lỗi
bố đừng chê trách nhiều...
(Xé nát tim
tôi, con Lộc ơi)
Sau
hai tháng hỏa thiêu con, nỗi buồn cứ đầy chẳng chút vơi:
Mảnh hồn ta
bất động...
Suy tư bật
căng bung vào khoảng trống,
Rồi run rẩy
nằm im, mất lực đàn hồi!
Sợi lò so
phiền não – lo toan – ngận ngùi...
Đã chết!
Ta muốn gào to,
Nguyền rủa cái bóng tối chết tiệt!
Nhưng thần kinh bại liệt rã rời,
Ta tàn hơi- vụt rơi vào cõi vắng…
(Cõi vắng)
* Hoàng Quang – người thầy giáo nhiệt
tâm:
Không biết anh
làm nghề thầy giáo bao năm, nhưng chắc thời gian lâu lắm, bởi dòng thơ anh viết
về những học trò mình, đan kín những trang thơ, cả những tháng ngày ngọa bệnh, tôi
thấy anh vẫn kèm cặp các học trò tại nhà, không phải vì tí thù lao còm cõi, mà
quá yêu nghề không nỡ chia tay.
…Tôi gọi các em là những niềm vui,
Những học trò thân thiết của tôi ơi!
Tôi mãi mãi nhủ lòng tâm nguyện,
Gác bên ngoài mọi khó khăn xao xuyến!
Mọi ưu phiền bực dọc,
Mỗi khi tôi bước vào lớp học!
Đến với niềm vui – với cả tình người,
Đến với các em với cả hồn tôi…
(Học trò thương ca)
Anh
tâm đắc với nghề bạc bẽo này, quấn quýt thủy chung lạ kỳ.
…Nhớ bao thầy cô xưa,
Tận tâm dạy dỗ.
Một đời, một đời – không khoe danh lợi!
Một trái tim, một trí tuệ - trao hết cho
ta!
Một ngày, một ngày – ta thành khôn lớn,
Đền nghĩa thầy – ta lại hiến thân…
(Nhà giáo hành khúc)
* Hoàng Quang – người chồng bảo bọc thủy
chung
Thi sĩ nào cũng
đầy chất lãng mạn, anh đâu có ra ngoài thông lệ, nhưng anh luôn nhớ lời cha giáo huấn, tất cả cuộc đời, trọn thân
xác tâm hồn dành cho vợ con:
…Ba thường nói một câu,
Chung thủy chưa chung tình
Trái tim dù lãng mạn
Phải gắng giữ nguyên trinh…
(Còn trong cát bụi)
Nghề
đạp xích lô, đổ mồ hôi sôi nước mắt, quên mình mà luôn nghĩ đến người nội
tướng:
…Anh đã đạp xe lóc cóc khắp ngã đường…
Sao đường vắng và khách không vời tới?
Đêm nay về chỉ vài đồng rỗng túi,
Gượng vui đừng than thở vội em ơi!
Áo vắt vai muốn nghỉ mệt xả hơi…
Ngày mai lại kiếp ngựa người lóc cóc.
Thực tế thế một đôi khi khó nhọc,
Răng bậm môi đừng bật khóc, nhé em!...
(Xích lô hành)
Lại
mượn rượu cho vơi nhọc nhằn cay đắng, anh nhìn đáy cốc ngông nghênh đề cao
người vợ:
…Bao nhiêu tình – bấy nhiêu ly,
Cõi đời chán ngắt sân si bằng thừa.
Rượu ơi mi
biết hay chưa?
Vợ ta số
dách...nắng mưa dãi dầu...
(Quá độ
thần men)
* Hoàng
Quang – người bằng hữu tuyệt vời:
Qua
tiểu học, lên trung học rồi vào đại học, mười mấy năm dùi mài kinh sử, cả ngàn
trang lứa đồng hành, nhưng anh chỉ ấn tượng hai lớp Ami và Khai Phá trong chủng
viện thời trung học, phải chăng nơi đây để lại trong anh nhiều kỷ niệm thiếu
thời, anh ôm chầm chắt chiu như vật báu... chắc vợ con anh đến phải ganh tị...
Đây thơ anh viết từ 2002:
...Chúng
tôi về nguồn lòng rộn rã xôn xao,
Trường xưa
đó – quý cha thầy xưa cũ...
Niềm cảm
kích trào dâng như cơn lũ,
Mắt rưng
rưng tay nắm chặt bàn tay!
Chúng tôi
dắt một “bày”
Khai phá
vợ, khai phá con...lúc nhúc...
..............
Ngùi tưởng
quãng đời những dấu chân hoang,
Bỗng cảm
nhận nguồn là cội phước!
Câu chuyện bắt
đầu từ 39 năm trước,
Nguồn của
chúng tôi: chủng viện Têrêxa!!...
(Về nguồn)
Không làm linh mục như các bạn, nhưng anh thật
quý trọng thánh chức, anh thân mật gọi
các giám mục bạn bằng anh hai anh ba thân quý, các linh mục bạn bằng cố nọ cụ
kia mật thiết, chẳng hề mặc cảm như bao tu xuất bố đời tàng tàng khác:
...Tôi thầm
phục!
Những nghệ
sĩ không tên: Linh mục.
Magnificat – Họ thốt lời vâng như tiếng hát,
Magnificat – Họ thốt lời vâng như tiếng hát,
Rạo rực
trái tim người nghe ...
Có bến đò
nào mà chẳng cần ghe?
Linh mục là
xuồng – chở ta về với Chúa.
Linh mục
không là biên đạo múa.
Giáo dân
vẫn nhịp nhàng...
........
Giữa dời
thường của người nghệ sĩ,
Sự lặp lại
và quen tay trở thành khả dĩ,
Linh mục
thì: KHÔNG!
Linh mục
khát khao biết đợi biết trông,
Linh hồn
con người hòa trong chén thánh...
(Cảm nhận)
Với những bằng hữu bố đời, gặp
nhau chỉ có rượu và thơ xả láng, thôi thì mày tao cậu tớ anh tôi đến líu lưỡi,
khác chi lân gặp pháo.
...Chúng ta
hề...lạc loài,
Những chàng
ngự lâm pháo thủ.
Bật nút
chai sẵn sàng ăn thua đủ,
Những món
ăn chơi bù khú cuộc đời.
.........
Chúng ta
hề...quần thủng đít vẫn xa hoa,
Thèm về
tuổi thơ đã rời xa vĩnh viễn,
Thèm nhân
nhẫn một tô canh điên điển,
Thèm cá rô
kho tộ mỡ- tiêu- hành...
(Giữa hỗn
mang đời)
* Và trên
tất cả, là một Hoàng Quang – nội tâm chứa trọn đức tin:
Cha mẹ anh là những tân tòng, vậy
mà giáo dục đàn con hơn những người đạo gốc, bởi thế anh không ngần ngại phú
thác gia đình trọn vẹn vào thánh cả Giuse, thơ anh hay đến nỗi ma xơ M.Goretti
Võ Thị Sương ở Sài gòn đề nghị xin để làm một slideshow hoành tráng, với tựa đề
“Hành trình bạch huệ”.
...Nửa đêm
sa mạc biên thùy,
Vâng lời
thánh ý sá gì gió đông...
Con cậy cha
– vợ cậy chồng,
Trên lưng
lừa nhỏ dắt bồng bế nhau.
Tìm an bình – nén thương đau,
Lối xưa Ai cập nhuộm màu cổ thi…
……
Con quỳ lạy thánh thân thương,
Mỗi gia đình – mỗi đoạn trường Thánh ôi!
Dây cương trùng giữa dòng đời,
Lao vào vạn lý nổi trôi gập ghềnh.
Mỗi lần ôm mối buồn tênh,
Ngước nhìn cha thánh lại lần bước xuôi…
(Vị cứu tinh của ơn cứu độ)
Khi bị sốc trong sự ra đi của con trai, giữa gian nan
cùng khốn, đớn đau chia lìa, anh chỉ biết ngước mắt khẩn cầu, mong sức thiêng
an ủi chở che.
…Có mẹ giây phút lâm chung,
Quyện trong tràng hạt kính mừng Maria!
Chở che lòng mẹ hải hà,
Bảo Lộc bé bỏng thật là an tâm…
Từ trong kinh nguyện âm thầm,
Ăn năn hối cải, nảy mầm Lộc non.
Giuse thánh
cả sắt son!
Giơ tay cứu
vớt kẻ mong sinh thì…
Vi Xen Tê -
thánh quan thầy
Cứu con qua
khỏi lúc này Thánh ơi !
Lửa thiêu
hỏa táng cạn lời,
Phó dâng ba
đấng cuộc đời của con…
(Xé nát tim
tôi)
* Để tạm kết :
Mảnh hồn lữ thứ là thế, nhiều trong rất nhiều thơ
anh, đúng là một thi sĩ, thơ anh tặng cho chúng tôi, tặng cho người yêu thơ,
không bán cũng chẳng dự thi, không cần phần thưởng, chả nhận thù lao, khen chê
chi cũng mặc, thật là : « Non sông thề với hai vai, quyết đem bút sắt
mà mài lòng son (TĐ)».
Cả lớp tôi nguyện cầu cho anh kiên trung trong ngày ngọa bệnh, dũng cảm đặt
chân lên ngưỡng tử sinh.
Năm mới này anh lên tuổi 62, thọ rồi đấy nhé.
Bùi Nghiệp
(mùa giáng sinh và năm mới 2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét