Trang

9 tháng 9, 2012

NHỮNG DẠNG ĐƯỜNG THI

Gọi là thơ Đường, vì đơn giản nó xuất phát từ bên Tàu, triều đại nhà Đường, mau chóng hòa nhập vào nước ta và điểm xuyết  thành những áng thi bất hủ ngàn năm, về chữ Nôm xưa cũng như Quốc ngữ bây giờ.
Thơ Đường đẹp như một viên ngọc do tay thợ kim hoàn dũa mài tinh xảo, như một “huê kiểng” nghệ nhân chăm sóc tỉ mỉ… Đường thi trau chuốt sắp xếp con chữ, ngày càng biến hóa nhiều thi vị, thật nghề chơi cũng lắm công phu.
     Luật thơ Đường khó tính như một ông đồ già, nhiêu khê bao điều cầm kỵ, thất niêm, thất luật, lạc – xuất – trùng vận, cưỡng áp, khổ độc, phong yêu hạc tất v.v… vì thế nhiều người cho rằng thơ Đường gò bó khô cứng, không mượt mà như thơ lục bát Việt Nam, thật ra chưa hẳn là như vậy, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà nỗi cảnh.
     Nay xin mạn phép thử áp dụng một số dạng thơ này vào nhà Đạo, không góp được chút gì với làng thơ Công giáo, cũng mong được cùng độc giả yêu thơ đôi ba phút vui vui…(*)

     1 - Họa Vận
Một người làm một bài xướng lên, một người nữa làm bài khác họa lại , các vần trong bài họa phải theo y như các vần trong bài xướng:

Xướng: A đam.
Nàng tự nơi nào đến với con?                   
Ai cho đầy đủ xác cùng hồn?
Nàng đến chốn này bao lâu ạ?
Có ở địa đàng chung với con?
Họa: Đức Chúa.
Nàng tự xương sườn cuối của con,                       
Ta ban cho cả xác cùng hồn.
Từ nay nàng sẽ bên con mãi!
Hạnh phúc địa đàng chung với con.

2-Thủ nhất thanh ( nhất đồng )
Từ đứng đầu 8 câu đều giống nhau.

Tám phúc (Mt 5, 1-12)
Phúc kẻ khó nghèo, sẽ trọng sang.
Phúc ai hiền hậu, đón giang san.
Phúc người khóc lóc, rày vui sướng.
Phúc sống công bình, ngập phước ân.
Phúc ở thương người, Trời dấu ái,
Phúc lòng trong sạch, Chúa thương ban.
Phúc đời xây dựng, đầy gia nghiệp.
Phúc đổ máu đào, hưởng thánh nhan.

3-Song điệp
Tất cả 8 câu đều có 2 điệp từ :

Chuyện Đời

Lắng lắng lo lo cái chuyện đời,
Căm căm cúi cúi đến tàn hơi.
Kìa xem cỏ cỏ hoa hoa nở,
Hãy ngắm mây mây nước nước trôi.
Bể bể dâu dâu nay có đó,
Mai mai một mốt đã đâu rồi.
Tiên vàn chú chú chăm chăm đạo                          
 Kiếp kiếp đời đời phúc thảnh thơi.

4-Song điệp độc vận
Tất cả 8 câu đều có 1 từ và chỉ có 1 vần.

Trời và thơ
Trời tự ngàn xưa, muôn ý thơ,
Ơn Trời là cả vạn lời thơ.
Cỏ cây sông núi Trời tô vẽ,            
Mây nước đất trời giăng mắc thơ.
Trời rộn xuân nồng chao én liệng,
Trời reo thu ngát thắm vần thơ.
Trời vui gió góp mây tao ngộ,
Dệt áng tơ trời đan kết thơ.

5-Dĩ đề vi thủ
Lấy 8 từ đầu để mở đầu cho 8 câu thơ :

Xướng: (Bà Isave) “Kính mừng bà mẹ phúc lạ ơn đầy”                                                                        
Kính mến chào bà Mẹ chí tôn!      
Mừng thay Chúa Cả ngự cung lòng.
Bà đầy phước lạ hơn người nữ,
Mẹ trọn ân thiêng vượt giống dòng.
Phúc xác thân già reo mãn nguyện,
Lạ thai con trẻ nhảy khôn cùng.
Ơn Trời tuôn đổ trên bà mãi!
Đầy đặn Giê-su thât rất mừng.

Họa: (Đức Maria)“Linh hồn ca ngợi đoái thương phận hèn”

Linh hồn ca tụng Đấng chí tôn!
Hồn trí mừng vui thỏa cõi lòng.
Ca hát đầy tràn ơn cứu độ,
Ngợi khen liên lỉ mạch thông dòng.
Đoái xem tôi tá thân hèn mọn,
Thương tưởng nữ nhi thật thấp cùng.
Phận nữ từ nay khen mãi mãi!
Hèn phàm Chúa đặt thật vui mừng.

6-Dĩ đề vi vận
Lấy đầu đề làm vần

Hồn Trông Mong Hồng Đông (TV.129)

Xướng:
Vực sâu thăm thẳm một linh hồn,
Mòn mỏi hơi tàn mãi ngước trông.
Như lính canh đồn chong mắt đợi,
Tựa quân gác lũy nghểnh tai mong .
Chúa ơi cứu độ xua mây xám!
Ngài hỡi từ bi đốt lửa hồng.
Giải thoát hồn con qua bóng tối,
Độ trì dân Chúa ánh hừng đông.
 
Họa:                                                   
Vững vàng tin tưởng hỡi linh hồn,
Đức Chúa không ngơ kẻ đợi trông.
Chậm nỗi bất bình luôn muốn đợi,
Rộng đường nhân ái vẫn hằng mong.
Như cha thương xót ôm con đỏ,
Tựa mẹ từ bi ấp cánh hồng.
Này hỡi linh hồn thôi rầu rĩ!
Có chi xao xuyến đợi hừng đông.

7-Toán thi
Cả bài câu nào cũng có từ chỉ con số.

Chúa giáng sinh.

Con một Chúa trên đã xuống trần,
Ngôi hai nhập thế ngập hồng ân.
Ba vua dâng tiến vàng- hương- mộc,
Bốn trẻ hòa vang sáo- mõ - đàn.
Réo rắt năm cung thiên sứ hát,
Bổng trầm sáu sợi cõi trần ngân.
Bình minh bảy sắc tô huyền nhiệm.
Tám hướng an bình đến chúng nhân.


8-Liên hoàn
Thể thơ có nhiều đoạn, câu cuối của đoạn trên được chuyển thành câu đầu của đoạn dưới

Người Sa-ma-ri-ta-nô (Lc 10.29-37)

Lữ khách đi đêm bị đả thương,
Nằm rên đau đớn ở bên đường.                             
Có thầy tư tế lên đền thánh,
Vội vã công đường mải miết bương.

Vội vã công đường mải miết bương,
Mặc lời rên xiết rất bi thương.
Thầy Lê-vi đến lo đọc sách,
Bận lắm ông ơi hãy tránh đường.

Bận lắm ông ơi hãy tránh đường,
Việc công quan trọng phải đảm đương.
Người lương dân ngoại đi trờ tới,                            
Vực vội lưng lừa chạy cứu thương.

Vực vội lưng lừa, chạy cứu thương,
Lo toan nhà trọ, thuốc thang luôn.
Thế ai là chính anh em vậy?
Tư tế, Lê vi hay kẻ lương?

9-Liên hoàn thuận nghịch vận
Thể thơ liên hoàn, nhưng bài thứ hai viết ngược vần lại với bài thứ nhất.

Giệt-si-ma-ni (Mc.14.32-42)

Màn đêm bao phủ khắp khu vườn,
Vạn vật lịm chìm theo ánh dương.
Mắt ngước cầu xin ôi thảm thiết!
Gối quỳ thầm thĩ  quá bi thương!
Mồ hôi tuôn đổ rơi chan chứa,
Mạch máu vỡ tràn tươm ứa vương.
Cha hỡi xin cha dừng chén đắng!
Hồn con đau đớn thật khôn lường.

Hồn con đau đớn thật khôn lường,
Thân xác yếu hèn tâm vấn vương.
Thánh ý Cha trao đền tội lỗi,
Thiên sai con nhận đáp tình thương.
Đêm nay quỷ dữ vây u tối   ,
Ngày tới nhân trần rạng ánh dương.               
Kìa đã đến giờ con tử nạn!
Giáo gươm đuốc sáng cận bên vườn …

10-Ô thước kiều
Thể thơ liên hoàn như trên, nhưng lấy 2 từ cuối, hoặc nhắc lại 2, 3 từ nào đó ở câu cuối của bài trên để mở đầu cho câu 1 của bài dưới.

Ngụ ngôn trinh nữ (Mt.25, 1-13)

Mười cô trinh nữ đón tân lang!
Đèn thắp lung linh ngỡ sẵn sàng.
Năm chị khôn ngoan dầu dự trữ,
Năm cô khờ dại bấc không mang.
Canh khuya lửa tắt đèn không cháy,
Đêm vắng dầu khô bấc lụi tàn.
Có tiếng tân lang vời yến tiệc,
Khêu đèn cho tỏ các cô nàng.

Cô nàng  bừng tỉnh thắp hoa đăng,           
Nửa số đèn kia bấc đã tàn.
Năm chị khôn ngoan vào tiệc cưới,
Năm cô khờ khạo đứng than van!
Ngày giờ Chúa gọi đâu trì hoãn,
Giây phút Ngài kêu phải sẵn sàng
Chuẩn bị kỹ càng luôn tỉnh thức,
Bất ngờ tiếng gọi vẫn tâm an.


11-Tập danh
a- Trong mỗi câu có danh từ gắn với đề tài

Rước kiệu     
Tám cửa ô vang vọng tiếng kèn, 
Rộn ràng trống phách vụt cất lên.
Thanh la inh ỏi dùi vung nhịp,
Chũm chọe  xập xèng dập tiếng xen.
Ban trắc tung tăng tiêu - sáo - mõ,
Bát âm rộn rã nhị - hồ - sênh.
Ba hồi  tiểu cổ cung nghinh kiệu,
Đàn trẻ tung hoa ngập trước đền.

b-Mỗi câu thơ có 1 từ chỉ bộ phận trong thân thể con người.

Ông Si-mê-on (Lc 2,27-35)

Còng lưng cất bước đến đền thờ,
Chiêm ngưỡng tỏ tường mặt bé thơ.
 Tay ẵm nâng niu vua cứu độ,
Chân quỳ tha thiết ngắm Giêsu.
Khấu đầu cảm đội ơn màu nhiệm,
Thân xác nghỉ an thỏa ước mơ.                                         
Con trẻ làm  tim bà đau đớn!
Nát tan gan ruột tựa tơ vò…

12-Tính danh
Câu nào cũng có từ chỉ nhân danh hay địa danh. Giống như Điển Thi, câu nào cũng dẫn 1 điển (ở bên Tàu).Xưa kia các cụ đồ nho chuộng lắm vì như thế các cụ mới chịu cho là có học, rộng kiến thức.

Lưu đày

Bờ sông đất khách Ba-by-lon,
Lã chã giọt sầu nhớ Sĩ-on!
Nước mất lưu đày dân Do Thái,
Nhà tan biệt xứ tộc Ê Đôm.
Hoài mong Đa Vít thời oanh liệt,
Mải nhớ Sa Mông thuở ấm nồng.
Trăm lạy Gia-vê dung thứ tội,
Sa-lem trở lại thuở hưng tồn.


13-Sắc thái
Câu nào cũng có từ chỉ màu sắc.

Đời Linh Mục

Mừng ngày lễ bạc ngập thiên ân,
Dâng chén vàng lên đốt áng trầm.
Nến trắng lung linh soi dẫn bước,
Áo đen vò võ khoác vào thân.
Hồng ân suốt kiếp hằng tuôn đổ,
 Son sắt đời đời nguyện hiến dâng.
Một sớm xuân xanh vèo thoáng mất,
Tấc lòng hòa nhịp nguyện cam tâm.


14-Thủ vĩ ngâm
Thể thơ trong đó câu đầu và câu đuôi giống nhau

Tiền hô (Lc 3,1-6)

Này ơn cứu độ đến nhân gian!
Có tiếng vang vang giữa đại ngàn:
Thung lũng lấp lên đầy đặn phẳng,
Đồi cao bạt xuống đủ ngay bằng.
Quanh co uốn lại cho thẳng thắn,
Lồi lõm san ngay  để đúng hàng.
Dọn sẵn con đường nghinh Đức Chúa,
Này ơn cứu độ  đến nhân gian!
  
15-Triệt hạ
Từ cuối của mỗi câu thơ để bỏ lửng làm cho câu thơ chưa trọn nghĩa, khiến người đọc phải nghĩ ra.

Người phong hủi (Lc 12,14)

Căn bệnh nan y bỗng chốc mà...
Bàn tay ngài đó chạm hay đà…
Uy năng tạo hóa y như thể…
Quyền phép càn khôn rõ thật là…
Da dẻ trơn tru đâu có phải …
Thịt xương khoan khoái tựa như là…
Tôi đi trình diện tôi đi để…
Theo luật Môi-se để thế mà…

16-Yết hậu
Các câu trên đủ từ cả, riêng câu cuối cùng chỉ có 1 từ.

Ta-bô-rê (Lc.9,29-36)

Thầy ạ ở đây sướng lắm nha!
Nếu thầy ưng ý sẽ làm ra.
Mấy lều thầy ở cùng ngôn sứ:
 -“Ba!”

17-Áp cú
Từ cuối của câu trước trở thành từ đầu của câu sau.
  
Người giầu có (Lc 18, 18-25)

Đã quyết theo thầy, đừng ngoảnh sau,
Ngoảnh sau, tiếc nuối cuộc sang giầu.           
Sang giầu, vào Nước Trời thật khó!
Thật khó, lạc đà chui lỗ khâu.

18-Chơi chữ

a-Theo vần A B C . . .

Tiệc cưới Ca-nan (Ga 2, 1-9)

E không đủ rượu tiệc tân hôn,
T tái chủ nhân điếng cả hồn.
Y lệnh đổ đầy chum hũ vại!
A ha nước hóa rượu đầy ngon…

 b-Theo các dấu : Ngã – hỏi – nặng – huyền.

 Phao-lô trở lại. (Cv 9, 1-16)

Ngã ngựa sóng soài bớ Sao-lô!
Hỏi xem kiêu hãnh đến bao giờ?
Nặng ân Chúa gọi đi rao giảng,
Huyền nhiệm trở nên đại trưởng đồ .
  
19-Bát điệp
Thể thơ trong đó tất cả 8 câu đều có lồng vào 1 hoặc 2 từ giống nhau.

Lười xác

Ai có hay chăng xác vốn lười?
Lười đầy thân xác mãi không vơi.
Thôi đi cái xác lười thiu chảy,
Ngừng nhé thân lười ươn xác ôi.
Nếu xác ươn lười do  biếng nhác,
Thì hồn giục xác chớ lười thôi.
Chớ lười thân xác đâm hư đốn,
Hư đốn cho nên xác cứ lười .
  
20-Liên ngâm
Thể thơ trong đó 2 hoặc nhiều người làm chung một bài thơ lần lượt nhau mỗi người 1 hoặc 2 câu.

Chúc tụng (Đn 3,51…)

Bài này mượn lời ông Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô trong sách Đa-ni-en khi bị quăng vào lò lửa.
(Sát rác)        
Lửa hồng ngun ngút mát mát thay.
(Mê-sác)
Uy dũng càn khôn một ngón tay.
Chúc tụng Gia-vê ngàn tinh tú.
(A-vết Nơ-giô)
 Ngợi khen Đức Chúa chín trời mây.        
Chở che dân tộc từng năm tháng.
(Thiên thần)
Bênh đỡ dân người mỗi phút giây.
Ngọn gió xuân sang ngăn lửa đỏ.
(Sát-rác)
Uy năng quyền phép thật cao dầy.

21-Hạn Vận
Người ra đề cho vần nào ta phải dùng vần ấy. Thể thơ này khác với thể Họa Vận vì không có bài xướng để dựa theo mà họa, hơn thế nữa, ta phải :

* Tả ý thơ theo đầu đề
* Dùng 5 vần hạn định (trong 8 câu)

a/ đầu đề :

Vườn Ro-sa bao quanh trái đất,
Cảnh thiên nhiên thật rất diệu huyền
b/ 5 vần hạn định : Huyền thiên truyền thiêng khuyên
Bài thơ sát với đầu đề, hạ đúng 5 vần hạn định

Suy gẫm ơn cao rất diệu huyền,
Ngày ngày ngưỡng vọng cửu trùng thiên.
Vui ơn Thiên sứ trao tin hứa,
Thương nỗi Ngôi Hai đáp mệnh truyền.
Kính Chúa lên Trời công hoàn tất,
Mừng Thần hiện xuống đẫy ơn thiêng.
Mân côi từng hạt kinh niệm tưởng,
Giữa chốn ba đào nhớ nhủ khuyên.

22-Phú Đắc
Giải thích và phát triển ý của một câu ca dao hay một câu thơ bằng một bài thơ, nhưng nội dung phải phù hợp với sự việc đó.

Cứu trợ.

Phú Đắc :
            Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
            Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Bão tố thiên tai phủ khắp nơi,
Cơ đồ sản nghiệp bỗng vèo trôi.
Người già run rẩy không cơm hẩm ,
Đứa trẻ nhóc nheo chẳng cháo hôi.
Chữ ái chữ nhân đừng quên mất,
Câu phù câu trợ chớ làm rơi.
Dẫu xây chín bậc đền vàng đó!
Đâu sánh bằng cho  cứu một người.

23-Láy Thơ
Thể thơ trong đó hoặc ở đầu câu,ở giữa câu hay ở cuối câu đều có từ láy.

 1/ Láy đôi

Gia-kêu. (Lc 19, 1-7)

Lúp xúp ven đường rộn rã theo,
Ôm cây thoăn thắt cố trèo leo .
Vẩy vung tay vẫy vời  tíu tít,
Vội vã lon ton đón Chúa Dêu.

2/ Láy ba (Vĩ Tam Thanh):

Bắt đạo.

Đầu làng tiếng sủa gẩu gầu gâu!
Cuối xóm xôn xao gấu gẩu gầu!
 Lùng sục Tây dương xông xồng xộc!
Truy tìm Đạo trưởng đẩu đầu đâu!

3/ Láy tư

Đa-vít

 Xúng xa xúng xính bộ xiêm y,
Nhún nhảy nhún nha ngó bộ kỳ…
Luẩn quẩn loanh quanh bia Thiên Chúa,
Tích tịch tình tinh vịnh thánh thi.                           


24-Vấn nghi
Câu thơ nào cũng theo thể hỏi, nên sau mỗi câu đều đặt được dấu hỏi cả.

Vấn Thiên.
Tinh tú bao nhiêu khắp cõi trời?              
Ngân hà mấy nhánh có đầy vơi ?
Cây bao nhiêu lá nơi rừng rậm?
Cá mấy mươi con chốn biển khơi ?
Xuân đến ai tô nên đỏ thắm ?
Thu về ai vẽ  nét vàng phơi ?
Thước đo lòng dạ bao nhiêu sải?
Tạo hóa sao đành giấu diếm chơi?

25-Thuận nghịch độc (hồi văn)
Thể thơ khi đọc xuôi là 1 bài thơ,mà đọc ngược cũng là 1 bài thơ. Thể thơ này đòi hỏi công phu ghép từ thật khéo và làm theo đúng luật bằng trắc để có thể đọc xuôi ,đọc ngược đều có nghĩa, câu thơ chải chuốt không khổ đọc.

Mừng sinh nhật Chúa

(Đọc xuôi) :
Trần gian đến hưởng phước an bình!
Xuống tự trời tuôn đổ phúc vinh.
Nhân chúng hát ca mừng nhảy múa ,
Sứ thần vang tấu nhịp lung linh.
Đàn cung xướng nhịp hòa chiêng trống,
Sáo khúc hồ xang tấu phách sênh.
Tràn ngập sướng vui ân phúc đủ,
An bình thánh thiện phước quang vinh!

(Đọc ngược) :
Vinh quang  phước thiện thánh bình an!
Đủ phúc ân vui sướng ngập tràn.
Sênh phách tấu xang hồ khúc sáo,
Trống chiêng hòa nhịp xướng cung đàn.
Linh lung nhịp tấu vang thần sứ,
Múa nhảy mừng ca hát chúng nhân.
Vinh phúc đổ tuôn trời tự xuống,
Bình an phước hưởng đến gian trần.

26-Phá cách
Thơ làm thất niêm có dụng ý

Ba Ngôi.

Một ngôi, một ngôi, lại một ngôi!
Cao siêu huyền nhiệm của Ngôi Lời.
Ba ngôi một Chúa không thay đổi,
Một Chúa ba ngôi chẳng tách rời.
Phép tắc thiêng liêng muôn kiếp kiếp,
Quyền uy sáng láng khắp nơi nơi.                                                        
Biển khơi thà tát cho khô cạn!
Còn dễ hơn suy ý Chúa Trời…

(Bài thất ngôn bát cú này làm theo thể bình, vần bình, nhưng không theo niêm luật.)

Ôi! Coi chừng bị “tẩu hỏa nhập ma” trong “mê hồn trận”…Còn nhiểu các dạng khác, do chưa sưu tầm ra bài mẫu, nhưng với ngần này dạng thức, chắc cũng đủ ngạc nhiên về ngôn ngữ nước ta, độc âm nhưng lại vô cùng phong phú.

Bùi Nghiệp 
------------------------------
(*) Tên gọi các dạng thơ được truy cập trên mạng : vietlinhweb.com tác giả Bồ Tùng Linh

Không có nhận xét nào: