Bao
giờ cho đến ngày xưa
Nhà Đường cai trị Trung Quốc chưa tròn
300 năm (618-907). Một chặng đường chưa mấy dài lâu và kinh lịch, nhưng đã để lại
một trong những thành tựu kỳ vĩ nhất cho văn học, đó là Đường luật, Đường thi.
Không lạ gì, trong quá trình nghiên cứu, người ta đã có thể phân chia dòng văn
học chính thống của xứ con Trời ra làm mấy nhánh, như Tản văn Tần, Hán; Thơ thịnh
Đường; Từ Tống; Kịch Nguyên và Truyện (tiểu
thuyết) Minh, Thanh. Như thế có nghĩa là Đường luật đã mặc nhiên được khắc
hoạ vào bảng vàng bia đá của lịch sử, danh bất hư truyền.
Nói đến Đường luật - Thơ Đường (còn gọi
là thơ Cận thể để phân biệt với thơ Cổ phong) là nói đến đỉnh cao của một
trong những dòng chảy thi ca kiệt xuất vào bậc nhất của văn chương cổ điển
Trung quốc. Không phải là một khuynh hướng tự phát, một trường phái ngẫu nhiên,
một trào lưu nhất thời thoắt hiện thoắt biến, chẳng để lại dấu ấn, tiếng tăm
nào. Nhưng, Đường luật rõ ràng như một dòng thác lũ vỡ bờ, một con sông hăm hở
miệt mài vồn vã chuyển lưu, một ngọn triều non bạc trùng trùng. Nó, có lúc,
cũng đã bị cuốn phăng đi trong chất chồng, bộn bề của bể dâu, của thế sự, của
dòng đời cũ mới. Để rồi trụ lại, sinh hoá, biến thiên, cộng sinh, cộng nghiệp
và thống trị bền vững không những trong văn học mà cả trong cõi tâm thức rung động
của mọi người, mọi thời. Vâng, làm sao ta quên được những tượng đài, từ Vương Bột
(649-676), Lạc Tân Vương (640-684) đến Vương Duy (701-761); từ Lý Bạch
(701-762) đến Thôi Hiệu (704-754), Đỗ Phủ (712-770), Bạch Cư Dị (772-846) và biết
bao phiến tài hoa khác đã toả sáng đó đây trong kho tàng đồ sộ của “Đường Thi Tam Bách Thủ, Toàn Đường Thi và
Thiên Gia Thi”...(1) Thậm chí đến tận ngày nay, khi bước chân
loài người đã in đậm lên bề mặt cung trăng và sao hoả - đồng nghĩa với huyền
thoại và viễn mơ bị chinh phục, bị xoá sổ - thì miệng môi ta như cứ mãi còn
thơm tho hương vị mật ngọt tiết ra từ ngôn từ, ngữ nghĩa, từ câu chữ, hình tượng,
vần điệu của Đường thi. Tôi muốn nói tới cái chùm cảm xúc dạt dào tê tê ở đầu
lưỡi, cái tần số dâng trào của con tim mỗi khi ta đọc lại Ly Tao, Hoàng Hạc Lâu, Trường Hận Ca hoặc Tỳ Bà Hành.(2) Đường thi đấy, giời ạ, không lẫn vào đâu
được. Hèn chi – như nhà văn Nguyễn Tuân kể, khối kẻ nghèo rớt mồng tơi, ấy thế
mà mỗi khi đọc thơ Đường, là y như phải thủ lễ cung kính trang nghiêm, phải thắp
cho được một cây bạch lạp. Điệu đà như vậy là hết chỗ nói.(3) Và hèn
chi, ông Dương Quảng Hàm mới kết luận chắc nịch rằng: “Trong non một ngàn năm (từ 939 đến cuối thế kỷ XIX, trải mấy triều Ngô,
Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn), các sĩ phu trong nước vẫn học các kinh truyện, sử
sách của Tàu, ngâm vịnh và trứ thuật các thơ văn, tác phẩm của Tàu.”(4)
Đùng một cái, giữa trường văn trận bút, ta nghe tiếng kêu thất thanh, hệt
như tiếng chạy giặc hay vỡ đê từ một nhà nho cô đơn thất thế:
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người thôi.(5)
Còn đâu vàng son thịnh
Đường ở những thời đoạn đời Trần, Lê, Nguyễn? Còn đâu vang bóng những Tao Đàn
Nhị Thập Bát Tú, những Chiêu Anh Các, những Bình Dương, Bạch Mai thi xã? Cứ tưởng
đã qua sông đắm đò, đã hoa trôi bèo dạt, đã chôn chặt đào sâu, đã mất tích. Ai
ngờ nói như Hoài Thanh ở thời điểm 1941: “...
Thanh thế thơ Đường ở nước ta xưa nay bao giờ cũng lớn ... Họ đi tới thơ Đường
với một tấm lòng trong sạch ...”(6) Chẳng thế mà cái hồn vía của
Đường thi như vẫn còn ám vào, vận vào cuộc bút chiến dằng dai gai góc giữa thơ
cũ và thơ mới (1932-1945); vẫn còn ngự trị khá lâu nơi một số nhà thơ sau này,
như Đông Hồ, Mộng Tuyết (1934); Hàn Mạc Tử với Lệ Thanh Thi Tập (1936); Vân
Đài, Thái Can, J.Leiba, Nguyễn Giang và cả đến Quách Tấn với Mùa Cổ Điển
(1941)...
Nghề chơi
cũng lắm công phu. Cụ Nguyễn Du đã
phán thì khó lòng mà sai được. Phải chăng nàng Kiều đã đạt mức “thánh thi” hoặc “thi hào, thi bá” dưới ngòi bút cực tả của Tố Như tiên sinh:
Khen rằng giá đáng thịnh Đường
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân
Làm thơ Đường đã khó.
Chơi thơ Đường lại càng khó hơn. Phải thượng thừa và tuyệt kỹ đến cõi vô đối, độc
cô cầu bại, như cách nói võ hiệp kỳ tình của Kim Dung. Non tay, vụng ý, nghèo từ
một chút là chết tươi ăn năn tội không kịp. Ranh giới giữa nhà thơ và thợ thơ đặt
ra những tiêu chí, những chuẩn mực về phép tắc, về quy ước và về nguồn cảm hứng
rất rạch ròi. Có khi bất thành văn, rất trừu tượng mà chỉ người trong cuộc mới nhận ra và tuân
thủ. Tôi muốn nói tới một vài điều phàm lệ không có không được của khách chơi
thơ Đường: Nào vần bằng trắc, luật bằng trắc, niêm, đối (thanh, tự loại, ý tưởng),
bố cục (phá, thừa, luận, kết). Nào thủ vĩ ngâm, thuận nghịch độc, liên hoàn.
Nào tứ tuyệt, bát cú, xướng hoạ v.v. Cứ thế lầm lũi mà đi, xuyên suốt mấy dặm
dài Lý Trần Lê Nguyễn. Ghê thật. Cứ vòng vo tam quốc. Cứ cầm kỳ thi tửu. Cứ
phong hoa tuyết nguyệt. Cứ mai lan cúc trúc. Cứ ngư tiều canh mục. Cho đến một
hôm “...chúng ta quay lại 20 thế kỷ đằng
sau thì thấy trong đến 19 thế kỷ rưỡi, cái Hán học ấy (trong đó có Đường thi)
đè nặng lên tim óc ta, chi phối mạnh mẽ văn chương chữ nghĩa của ta.”(7)
Không chỉ Dương Quảng Hàm hoặc Hoài Thanh. Hết thảy, tất tần tật các nhà
giáo, nhà viết văn học sử Việt Nam
đều có chung một kết luận tương tự.(8) Kể cũng lạ.Trong đời sống văn
học Việt Nam
ta, có lẽ hiếm thấy một manh mối ràng buộc thắm thiết nào như cái quan hệ ruột
thịt giữa thơ Đường với thơ Việt. Nó ngấm ngầm từ thời Vạn Hạnh, qua Nguyễn Trãi,
đến Nguyễn Du, rồi Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,
Tản Đà, Phan Bội Châu v.v
Còn các nhà thơ Công giáo Việt Nam thì sao?
Có thể nói không sợ cường
điệu rằng lịch sử đạo Chúa ở Việt Nam
kinh qua bao nhiêu năm là có bấy nhiêu chặng đường thơ. Thi ca cứ chảy theo
dòng lịch sử. Thi ca Công giáo hiện ra muôn vẻ muôn màu ở người này, trong tác
phẩm kia, đậm nhạt tuỳ nơi tuỳ thời. Từ công nương Catarina (1627), thầy giảng
Phanchicô (1640), thầy giảng Gioan Thanh Minh (1588-1633), thầy cả Lữ-y Đoan
(1613-1678) cho đến linh mục Gioa Kim Đặng Đức Tuấn (1815-1874), thánh linh mục
Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853), linh mục Phêrô Trần Lục (1825-1899). Từ
Hàn Mạc Tử (1912-1940) đến linh mục Giuse Maria Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1819-1979),
Long Giang Tử (1920-1990), linh mục F.X. Nguyễn Xuân Văn (1922-2002), linh mục
JBT Cao Vĩnh Phan (1924-2011). Linh mục Giuse Maria Đinh Cao Thuấn (1925-2009)(9).
Họ không triết lý dài dòng. Họ không kênh kiệu ra vẻ thầy đời để dạy dỗ giáo điều
một cách nguỵ trí thức. Nhưng mặt khác, họ cũng chẳng dám cưỡi ngựa xem hoa hoặc
múa gậy vườn hoang cho xong chuyện. Mỗi ý tứ, mỗi vần điệu của họ là một nhẫn
nhục cưu mang; một mòn mỏi sinh thành, vượt cạn, một khổ công đau đớn ê chề để
giãy giụa thăng hoa. Kìa xem cái gương khổ giá tày liếp xót xa của thầy cả Lữ-Y
Đoan phải chịu dập vùi khinh miệt loại trừ như thế nào với đứa con tinh thần của
mình là Sấm Truyền Ca suốt từ 1670 đến 1956, mấy trăm năm đoạn trường, trong lửa
đỏ và máu hồng(10). Đội ơn Chúa, bằng nén bạc Trời cho cộng với thật
nhiều khổ luyện dụng công về thi pháp, những nhà-truyền-giáo-bằng-thi-ca ấy
đã để lại cho chúng ta một gia tài lời Chúa khá đồ sộ. Có thể nhắc tới những
Sấm Truyền Ca (1670) của Lữ-y Đoan, Phúc Âm Tứ Sử Diễn Ca (1954) của Alexis Tống
Viết Toại; Thánh Vịnh Toàn Tập (1964) của Giuse Mai Lâm; Nhật Tư Thánh Vịnh và
Diệu Ca (1962-1963) của Gérard Gagnon (Nhân); Phúc Âm Diễn Ca (1972) của Phêrô
Long Giang Tử; Lời Ca Muôn Thuở _ Diệu Ca (1966) của An Sơn Vị; Trường ca Dân
Chúa (1970) của JBT cao Vĩnh Phan; Trường Ca Cứu Độ _ Ca Vang Lời Chúa (2000) của
Giuse Đinh Cao Thuấn; Thánh Vịnh Thơ Việt (2000) của Phạm Xuân Thu; Sấm Ngôn _
Khải Huyền _ Nguồn Sống (2001) của Kim Chi; Thánh Kinh Toàn Tập Diễn Ca
(1996-2005) của Antôn Lê Quang Trình; Cuộc Đời Chúa Giêsu (1993) của Giuse Vũ
Ngọc Bích; Dụ Ngôn Phúc Âm (2007) của Xuân Ly Băng; Trong Ánh Tin Mừng (2007) của
Phêrô Hoàng Diệp và đặc biệt tác phẩm trường thiên (9.764 câu thơ lục bát tài
hoa) Sứ Điệp Tình Thương (1999) của F.X.Nguyễn Xuân Văn. Trong tay tôi hiện còn
đang lưu giữ tới cả chục công trình ở dạng bản thảo của các thi hữu bốn phương
có nhã ý nhờ đọc hoặc trao gửi phát hành. Trộm nghĩ, đó là tâm huyết của họ gửi
lại cho đời, không ai được phép bỏ qua, xem thường. Tôi đã nguyện với lòng tôi
như thế.
Với chủ ý trên, nay, xin
trình làng tuyển tập Đường thi xướng họa cũng mang một cái tên rất ư là Thánh
Kinh: “Bài Giảng Nước Trời”, tập hợp
gần 300 bài thơ xướng (79 bài) và Hoạ
(162 bài), chưa kể bài Dẫn Nhập Tin Mừng và Khép Trang Cứu Độ (4 bài thuận độc-nghịch
độc). Các thi hữu góp mặt góp tiếng trong tuyển tập này là Bùi Nghiệp (68 bài),
Thinh Không (65 bài), Khuất Dũng (49 bài), Bóng Tà Dương (31 bài), Cù Mè (13
bài), Hương Quê (5 bài), Maria Xuyến (4 bài), Học Trò Nhỏ (4 bài) và Dzuy Sơn
Tuyền (2 bài). Tất cả, như tôi được biết, đều là thành viên thuộc Câu lạc bộ Đồng
Xanh Thơ Sài Gòn với những sinh hoạt không định kỳ về văn học nghệ thuật Công
giáo. Riêng mấy năm gần đây, họ là một trong những tập thể Công giáo có tổ chức,
tham gia tích cực nhiều sự kiện của Giáo hội địa phương. Đặc biệt, có những tên
tuổi đã chiếm giải khôi nguyên, á nguyên ở các đợt giải thưởng hội thi Đường luật
(Sen Giữa Lầy 2010 và Nhánh Huệ Nước Trời 2011).(11)
Thú
thật, đã lâu, tôi quên và quên phứt Đường luật, cả trong văn bản đọc, lẫn trong
cảm hứng sáng tác. Nói thế không có nghĩa là tôi dám mạo muội xem thường. Bởi,
trong muôn một lời vàng trân trọng, Đường thi vẫn tồn tại uy nghi, sang trọng rất
đường bệ và phương cương sung mãn trong trái tim tôi. Nó như viên ngọc quý bị
người ta vô tình đánh rơi giữa chốn phồn hoa đô hội, rồi một hôm đẹp trời, nó lại
hiện ra lấp lánh tinh khôi. Từ đó, nó được cất giấu để lâu lâu trưng bày ra mà
ngắm nghía cho đã thèm. Nó là bảo vật bất ly thân, không tì vết, bợn nhơ. Một
cách nào đó, Đường luật-xướng họa, hệt như cổ ngữ LaTinh, tưởng như đã chết, đã
mai một, ấy thế mà ngày nay đang phục sinh rất ư là thời thượng với những
thương hiệu lẫy lừng: Fiat, Corona, Rex, Eva, Prima, Bonus, Plus, Platinum...
Hình như, tôi trộm nghĩ, những gì còn đọng lại trong ký ức con người thì chả
bao giời sợ mất mát, phai tàn. Tần Thủy Hoàng chôn học trò, đốt sách thì đã có
Khổng Tử khôi phục Kinh Thi. Lê Thánh Tôn đã làm điều tương tự với sự nghiệp
thi ca của Nguyễn Trãi sau vụ án tru di tam tộc. Và chẳng cần đợi 300 năm sau,
mỗi câu chữ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều vẫn cứ sống mãi với thời gian. Cũng
vậy, đáng lẽ Đường luật - xướng họa đã được khâm liệm từ lâu, đã đóng xong vai
trò lịch sử của nó. Thì thôi, để gió cuốn đi. Vết thương đã liền da, khơi gợi
mà chi? Ấy vậy mà nay, giữa nhịp đời hối hả tất bật của đô thị và công nghiệp
hóa, giữa những con chữ đã hóa thân quay cuồng, giữa những cộng đồng ngôn ngữ
Babel, giữa thực dụng và phàm tục hóa, vẫn vang lên “Bài Giảng Nước Trời”. Hóa ra, Thánh Kinh cứ mới mãi, cứ ngồn ngộn
những thời sự về Nước Trời, về đạo đức, về luân lý, về vũ trụ và nhân sinh. Để
đọc, để cảm nhận và để đồng điệu với gần 300 bài, kể ra hơi khó, đòi hỏi nhiều
thời gian và công sức bền bỉ, trường kỳ. Mỗi đề tài, mỗi tác giả là mỗi thế giới
riêng. Họ có ngôn ngữ, hình tượng và phong cách chuyển tải khác nhau. Tuy
nhiên, tôi đã có thể tinh tuyển ra được khá nhiều câu, nhiều cặp, nhiều khổ và
nhiều giọng điệu thơ rất tiêu biểu, đẹp về hình thức và sâu sắc về nội dung.
Nói thật, ngay lúc này, mỗi tác giả hiện ra trong tôi một chân dung, một ngôn
ngữ, một phong cách mà bài viết nhỏ này không thể nói hết được. Xin mời bạn
cùng tôi bình tâm ngâm ngợi, nhé. Tôi tưởng không cần phải dài dòng thuyết minh
về nội dung, chủ đích của những trích đoạn sau đây.
-
Của Bùi Nghiệp:
Một phần thể xác thà rơi mất
Hơn cả toàn thân lãnh ngục hình (PhI, X2)
Ăn vóc học hay đâu thẹn nhỉ
Nghe không nói có rõ buồn ghê (PhI, X3)
Xin xỏ thì cho không chút ngại
Mượn vay cứ đáp chẳng từ nan (PhI, X4)
Bát gạo lưng vơi thêm phúc đức
Đồng tiền ít ỏi cũng từ tâm
Trời cao có mắt hằng xem thấu
Trả lại cho ta gấp bội phần (PhI, X7)
Ôi đường xa quá mỏi chân rồi
Dừng lại bên lề, đổi gánh thôi
(PhII, H5)
Nông phu gieo giống xuống nương đồng
Lao nhọc cần cù mải đợi trông
Hạt rớt đất cằn đâu bén rễ
Hạt rơi ruộng tốt sẽ đơm bông (PhIV, X8)
-
Của Thinh Không:
Con đây lắm lúc đã vô tình
Quên cả Con Người chịu đóng
đinh (PhI, H2)
Sự thật giả chân, đừng uốn bẻ
Tránh đường cám dỗ lối u mê (PhI, H3)
Lạy Chúa là Cha cả đất trời
Toàn năng hằng hữu ngự
nơi nơi
Vương quyền thống trị vô vô tận
Danh thánh quang vinh mọi mọi
đời (PhI, H8)
Cứ trông cành vả hóa mềm thân
Lá trổ, hè đương đến rất gần (PhV, X6)
-
Của Khuất Dũng
Phúc ai độ lượng, Cha tha thứ
Phúc kẻ giao hòa, Chúa hứa ban (PhI, H6)
Chim sâu kết tổ sao còn nhớ
Sợi tóc nơi đầu há nỡ quên (PhII, X3)
Vào trong hoang địa để
xem gì
Phơ phất ngàn lau có lạ chi
Kiếm kẻ lụa là vào điện ngọc
Tìm người gấm vóc đến cung uy (PhIV, X1)
-
Của Bóng Tà Dương
Làm sao ký gởi bạc dương trần
Tằn tiện bao ngày ở thế gian
Bát gạo sẻ chia đừng cất giấu
Đồng tiền phân phát chớ đeo
mang (PhI, H11)
Trời trời đất đất cao bao kể
Biển biển hồ hồ rộng biết bao
Chú chú chăm chăm gì cho lắm
Năm năm tháng tháng cũng tan
màu (PhI, H14)
Tựa đũa một đôi có cớ cơn
Như giày như dép chẳng cô đơn
Giao
hòa nồng ấm chung chăn gối
Nương tựa khiêm nhường sẻ áo
cơm (PhI, H23)
Kiếp sống này như một chuyến táu
Vèo trôi thấp thoáng tựa chiêm
bao
Vò đầu tỉnh táo nên hay rõ
Vắt óc suy tường phải biết bao (PhV, H7)
-
Của Cù Mè:
Hoang địa cằn khô, hỏi thấy gì
Sậy vờn trước gió chớ sang chi
Cành vàng ắt ngự nơi cung quý
Lá ngọc thì nương chốn điện uy
(PhIV, H1)
Nào ai vất vả vương sầu nặng
Hồn hãy mừng lên hạnh phúc rồi
(PhIV, H5)
Lãnh thổ tranh giành sẽ rã tan
Cộng đồng chia rẽ ắt không ai
Quỷ trừ phép quỷ, quyền năng mất
Người hợp lòng người, sức mạnh
lan (PhIV, H8)
-
Của Hương Quê:
Dễ lắm, đừng ham của thế trần
Nhưng mà cứ tận hưởng dương
gian
Sống đời mặc kệ ai chôn giấu
Chết đoạn đâu nào kẻ cất mang
(PhI, H11)
Gạo
tiền, bị gậy không cần thiết
Giày dép, khăn choàng cứ tự
nhiên (PhII, H1)
Chim trời còn nhớ mùa xây tổ
Khóm huệ nào quên tháng nở hoa (PhV, H10)
-
Của Maria Xuyến:
Ví như hạt mặn có trong đời
Lại giống đèn pha sáng mọi nơi
Làm muối ngày cần phơi nắng
chiếu
Đi đường đêm phải thắp đèn soi (PhI, H1)
Trần thế bao người sống bất lương
Tội nhân, Chúa vẫn rủ tình
thương
Cha thương yêu mãi những người
con
Sao nỡ vô tâm sống quá ngông
Đời đã lao đao đau tận dạ
Kiếp còn mê muội đổi thay lòng (PhVI, H16)
-
Của Học Trò Nhỏ:
Thưởng ai hối lỗi, nguồn an phúc
Thưởng ý ngay lành, suối thánh
ân (PhI, H6)
Họa lũ rẽ chia lòng độc địa
Họa đời chối Chúa mất thiên
nhan (PhI, H7)
-
Và của Dzuy Sơn
Tuyền:
Nước Trời hạnh phúc, thật quê ta
Trần thế phù vân, cõi tạm mà (PhV, X10)
Chúa tái quang lâm buổi tận cùng
Dữ lành tách bạch, đục hay
trong (PhV, X9)
Đọc “Bài Giảng
Nước Trời” hôm nay, tự nhiên tôi liên tưởng tới cái cảnh gặp gỡ giao lưu
đông vui sầm uất thuở ban đầu khi các thầy giảng và nho sĩ nước Đại Việt tập hợp
xung quanh thày cả H.Majorica để biên soạn kinh sách-truyện Nôm (1632-1656).
Tôi nhớ công khó vô cùng nghiệt ngã của những đấng bậc tiền phong có công điển
chế và mở đường cho Quốc ngữ, từ A.de Rhodes (1651), Bentô Thiện (1695) cho đến
những thế hệ kế thừa: Bá Đa Lộc, Taberd, Philipphê Bỉnh (1822), Petrus Ký, Huỳnh
Tịnh Paulus Của... Đặc biệt về thơ xướng họa để loan báo Tin Mừng, phải kể đến
các trường hợp của Lữ-Y Đoan với Sấm Truyền Ca (1670); của Lôren Huỳnh Lâu với
Inê Tử Đạo Vãn (1700); của Gioakim Đặng Đức Tuấn với Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca
(1848) và Thánh linh mục Philipphê Phan Văn Minh với các tác phẩm:
■Gia Tô Cơ Đốc gồm bài
xướng của chính tác giả và 44 bài họa của thi hữu bốn phương.
■ Vịnh Ê-VANG gồm bài khai hội và 50 bài vịnh, chung mối
đồng cảm.
■ Nước Trời Ca gồm
28 bài thơ lục bát về Phúc âm. Toàn bộ gọi là Phi Năng Thi Tập gồm 134 bài xướng
họa.
Dẫn chứng những con người
cùng sự kiện văn học lịch sử có thật như trên, kẻ viết bài này chĩ thầm mong một
điều cỏn con là ai nấy cứ mở “Bài Giảng
Nước Trời” ra mà đọc, như đọc sách Lời Chúa vậy. Bởi các nhà thơ tác giả tập
sách mỏng manh này chỉ tiếp nối cái truyền thống văn chương chữ nghĩa của cha
ông và mượn văn chương chữ nghĩa để “tải đạo”
hoặc gửi gắm ít nhiều tâm nguyện mà thôi. Họ học tập, noi gương các bậc tiền bối
đã có công khai phá, mở con đường hội nhập văn hóa. Nhờ thế mà “nhà Cha mới có nhiều chỗ”, bốn phương
tám hướng quy về một mối, một Nước Trời. Văn hóa không có biên cương. Văn hóa dẫn
vào Đức Tin. Đừng đóng cửa, rút cầu. Đừng xây pháo đài cách ngăn. Năm Thánh Đức
Tin vừa khai mạc và mời gọi chúng ta. Bằng con đường văn hóa và thi ca, mọi người
sẽ dễ dàng đến gần và lãnh nhận đức tin. Bài
Giảng Nước Trời-Đường luật-Xướng Họa, một cổ tích được kể lại, được cách
tân đang rộn rã ngân vang giữa xô bồ phố chợ hôm nay. Thật dũng cảm, ơi những bạn
thơ. Tôi biết nói gì hơn, khi bợi ngược dòng, trở lại thượng nguồn?
Viết đến đây, đâu đó gần
xa tôi thấy đang dấy lên những tin đồn về ngày tận thế, ngày phán xét cánh
chung dự báo sẽ xảy ra vào những thời khắc cuối cùng năm 2012 này. Nỗi ám ảnh
văn hoá ấy, trước sau, vẫn là câu chuyện tưởng tượng kinh điển hoặc hư cấu hão
huyền về sự diệt vong của thế giới, của loài người. Có thể bằng nhiều tình huống
bi kịch: Thiên thạch va đập vào trái đất, cơn mưa virus chết người, chiến tranh
hạt nhân, cuộc đổ bộ của người ngoài hành tinh hoặc sóng thần, núi lửa phun
trào, lụt đại hồng thuỷ như thời ông Nô-E. Định mệnh? Rác rưởi? Trò đùa? Hình
như là cả 3. Như thế là cái đã qua vẫn chưa đoạn tuyệt, vẫn còn váng vất đâu đó
trong dòng sinh mệnh thường hằng của chúng ta. Tạm ví von một chút xíu như vậy
cho vui chuyện. Chẳng hiểu có xuôi tai và vừa lòng người chăng? Mà thôi, đầy là
vơi và vơi là đầy, như cụ Trang Tử đã nói xửa xưa. Còn Đức Giêsu Kytô, Thầy chí
ái cũng đã dạy chúng ta hãy dọn đường cho Chúa, vì Nước Trời đã đến gần. Đấy là
nội dung cốt lõi của tuyển tập thơ Bài Giảng
Nước Trời, một quà tặng Đức Tin – Văn Hoá xin trao gửi vào tận tay bạn.
Ngoại ô Saigon,
16.12.2012
Lê Đình Bảng
Chú thích:
(1) Tên
những pho sách tổng hợp các tác giả - tác phẩm tiêu biểu của Đường thi ở Trung
quốc suốt 300 năm (618-907)
(2) Tên những bài Đường thi kiệt xuất.
(3) Vang Bóng Một
Thời - Tuyển Tập Nguyễn Tuân NXB Hà Nội
1982.
(4) Việt Nam Văn Học Sử
Yếu. Trung Tâm Học Liệu Saigon, 1968.
(5) Tú Xương (1870-1907)
(6) Thi Nhân Việt
Nam. NXB Văn Học Hà Nội 1988.
(7) Phạm Thế Ngũ. Việt
Nam
Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên. Quốc Học Tùng Thư, NXB Anh Phương 1963.
(8) Nguyễn Đổng Chi -Việt
Nam Cổ Văn Học Sử (1942); Ngô Tất Tố - Việt
Nam Văn Học (1942); Nghiêm Toản - Việt
Nam Văn Học Sử Trích Yếu (1949); Thanh Lãng - Biểu Nhất Lãm văn Học Cận Đại (1957); Hoàng Trọng Miên - Việt Nam Văn Học Toàn Thư (1959); Hà Như
Chi - Việt Nam Văn Học Giảng Bình
(1960) và Thư mục Giáo khoa Việt văn của Võ Thu Tịnh, Bùi Giáng, Chu Đăng Sơn,
Bằng Phong, Lê Đình Bảng...
(9) Tôi chỉ kể tên các tác giả làm thơ với mục đích rõ rệt
là “loan báo Tin Mừng” hoặc “Phúc âm diễn ca”
(10) Lê Đình Bảng. Miền
Thơ Phúc Âm Diễn Ca. NXB Tôn Giáo 2009
(11) Hành hương về Qui Nhơn, nhân dịp 100 năm sinh nhật Hàn
Mạc Tử, tháng 9.2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét