Trang

24 tháng 3, 2013

SÁNG TÁC THUẬN NGHỊCH LỤC BÁT




Bài viết này còn sơ sài, nhưng là chút gợi ý cho thi hữu nào có duyên sáng tác lục bát, cùng nghiên cứu để cầu tiến trên đường nghệ thuật.
Cả đời ít khi làm thơ lục bát bình thường, nay nhân đọc về thể loại này, tự dưng thấy phấn khởi hứng thú, nên xin mạo muội viết ra, chắc chắn sẽ rất thiếu sót lẫn ngô nghê, xin được các cao nhân, kiện tướng diệu thủ chỉ giáo nhiều trong tình huynh đệ học hỏi.
Sau khi tìm hiểu các thể thức làm thơ thuận nghịch độc lục bát của các nhà nghiên cứu đề ra (trên các trang mạng cũng như sách in), các tác giả đã phần nào hướng dẫn ta về thể loại này. Nay với chút suy nghĩ thô thiển, xin đưa  thêm một số gợi ý, để giúp phần nào thông đạt khi ta muốn làm thơ lục bát thể loại này, ai hữu duyên tâm đắc cũng nên nghiên cứu thêm và góp ý cho sáng tỏ tường tận… Ước mong lắm thay.

Thử giải mã các dạng viết thuận nghịch lục bát:
Rất ít những người làm thơ lục bát thuận nghịch độc (kể cả Đường thi thất ngôn bát cú) vì nghề chơi thật lắm công phu. Thường sáng tác được một bài thơ là do cảm hứng, ý tưởng đến trước, rồi chọn thể loại phù hợp và vận dụng chữ nghĩa để ghép vần sao cho xuôi xắn êm tai. Ngoài các điều kiện kể trên để làm thơ xuôi, khi chủ tâm thực hiện dạng thuận nghịch còn đòi hỏi người làm thơ nhiều động tâm động não, vốn kiến thức từ ngữ phong phú, và kiên nhẫn tột cùng.
-Để hết tâm lực suy nghĩ về những từ ghép mang vào áp dụng, dù đọc xuôi hay ngược cũng đều êm tai và hàm chứa ý trong đó (hát ca – ca hát, ái ân – ân ái, ngất ngây – ngây ngất, lơi lả - lả lơi, trời đất – đất trời, say mê – mê say v.v…)
-Ngoài cách gieo vần chữ 6 câu lục và chữ 6+8 câu bát theo thi luật, còn đặc biệt chú trọng đến các âm gieo vần bằng dự trữ trong chữ 1 câu lục và chữ 1+3 câu bát, vì những chữ này sẽ ứng với các vần khi đọc ngược lại.
-Lưu ý tới vần chữ 7 trong câu 8 (đúng luật là vần trắc, nhưng đây lại chỉ dùng vần bằng, xét thấy cũng được phép). Lúc đầu nên như vậy, sau này nếu cần sẽ biến tấu cho thêm độc đáo.
Ghép chữ ngược lại đã khó, cái khó hơn là ý tưởng, viết xuôi (thuận) một bài với ý tưởng gợi ra thì bình thường, nhưng khi đọc ngược lại, ý tưởng cứ đâu đâu chẳng ra làm sao, vậy khi đọc ngược thì không được lủng cũng và phải đạt ý.

a-Lối viết 1:
Cách viết này không khó, chỉ cần viết ngược từng câu 6 rồi đến 8 (mỗi hàng), chứ không phải cả bài từ dưới lên trên, lối viết xuôi cũng nên kết bằng câu 6
Xê xi li a
(Đọc xuôi)
Cầm đàn tấu khúc mê say,
Âm thanh trầm bổng đó đây vơi đầy.
lâng lâng réo rắt vui tai,
Hồ- xừ- xang- xế ngất ngây nao lòng.
So dây nắn phím tơ huyền…
(Đọc ngược) từng câu:
Say mê khúc tấu đàn cầm
Đầy vơi đây đó bổng trầm thanh âm.
Tai vui rắt réo lâng lâng,
Lòng nao ngây ngất xế- xang - xừ -hồ.
Huyền tơ phím nắn dây so.

b-Lối viết 2:
-Lối viết xuôi bình thường nhưng kết bài viết bằng câu 6,
-Lối viết ngược như vậy câu kết sẽ trở lên hàng đầu
Sắc màu.
(Đọc xuôi)
Hoa đời ảnh ảo tơ sương,
Thoa giao trời đất vấn vương vồng cầu.
Rồi phai cỏ lá qua mau,
Thời xuân ai có níu chào năm năm?
Dài ngày rộng tháng nào ham,
Mai hôm mình mất phận cam sao đành!
Xinh xinh sắc thắm rành rành,
Tình ân say ngất chứa chan trao mời.
Bay hương ngát tỏa nơi nơi,
Ngây lòng người những nhuốm đời mê si.
Cười trưa khóc tối còn chi?...

(Đọc ngược)
Chi còn tối khóc trưa cười?
Mê si đời nhuốm những người lòng ngây.
Nơi nơi tỏa ngát hương bay,
Mời trao chan chứa ngất say ân tình.
Rành rành thắm sắc xinh xinh,
Đành sao cam phận mất mình hôm mai.
Ham nào tháng rộng dài ngày!
Năm năm chào níu có ai xuân thời?
Mau qua lá cỏ phai rồi,
Cầu vồng vương vấn đất trời giao thoa.
Sương tơ ảo ảnh đời hoa!...

c-Lối viết 3:
-Lối xuôi viết bình thường
-Lối ngược viết như sau (hơi khó):
Từ chữ thứ 3 đến 8 của câu 8 cuối cùng (thuận) sẽ trở thành câu 6 (nghịch) , như vậy đương nhiên chữ thứ  1 và 2 của câu 8 (thuận), sẽ bắt đầu cùng với câu 6 kế cuối làm thành câu 8 (nghịch)
Chị Thánh Tiên Sa
(Đọc xuôi)
Hồng môi hây thắm nữ trinh,
Trang đài khai nụ thắm xinh hương nồng.
Này đây linh tượng ẵm bồng,
Lâng lâng – vinh phúc đợi trông hằng ngày.
Tình ân ngây ngất sớm mai,
Trông chờ - say đắm đắm say linh hồn.
(Đọc ngược)

Hồn linh say đắm đắm say,
Chờ trông mai sớm ngất ngây ân tình.
Ngày hằng trông đợi phúc vinh,
Lâng lâng bồng ẵm tượng linh đây này.
Nồng hương xinh thắm nụ khai,
Đài trang trinh nữ thắm hây môi hồng

Bùi Nghiệp.

Không có nhận xét nào: